Mối lo ô nhiễm từ cảng biển
Với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, số lượng tàu biển tại các cảng biển Việt Nam, đặc biệt là các cảng biển khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh ngày một tăng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sự gia tăng đó cũng dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường tại vùng biển và vùng nước cảng biển của Việt Nam. Các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động hàng hải thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hại cho sức khỏe con người và tác động không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo bà Trần Thị Tú Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm trong hoạt động khai thác cảng biển bao gồm: Xây dựng cảng biển, bến cảng, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; các hoạt động trong quá trình kinh doanh, khai thác cảng biển; hoạt động của tàu biển, thiết bị hỗ trợ hoạt động của tàu biển...; hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, nạo vét thủy diện cầu cảng. Các hoạt động này tác động đến chất lượng không khí, môi trường nước, gây xói lở/bồi tụ và gia tăng các chất thải.
Cụ thể, trong giai đoạn vận hành cảng, khí thải phát sinh từ tàu, sà lan vận chuyển hàng hóa và hoạt động của các máy móc bốc dỡ hàng hóa. Trong đó, máy chính và các máy phát điện trên tàu thường là các động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu diesel. Khí thải từ các máy này đem theo các khí độc hại như CO2, CO, NO2, CmHn, RCHO và muội than vào môi trường không khí. Lượng khí xả có trong các động cơ tàu thủy là nguồn ô nhiễm không khí đáng kể nhất từ vận tải biển. Ngoài ra, quá trình bốc dỡ và vận chuyển các loại hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu (than đá, xăng, dầu, hóa chất, phân hóa học) từ tàu lên các kho, bãi chứa và từ các bãi chứa xuống tàu sẽ làm phát sinh một lượng lớn bụi và hơi hóa chất, hơi xăng dầu nếu không có biện pháp kiểm soát. Trong các ngày có gió mạnh, bụi từ bãi chứa nguyên liệu, nhiên liệu sẽ gây ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cảng và khu vực xung quanh.
Ngoài ra, tại các cảng biển, hiện tượng ô nhiễm dầu mỡ do các phương tiện để rò rỉ nước la canh, nước dằn tàu, nước buồng máy… Việc cung cấp dầu mỡ, nhiên liệu cho tàu, việc sửa chữa nhỏ và vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ cũng là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm vùng nước cảng biển. Các sự cố như vỡ đường ống, tai nạn nhỏ cũng dẫn đến ô nhiễm dầu mỡ tại các cảng biển. Sự cố tràn dầu hoặc tai nạn do đâm va là nguyên nhân gây ô nhiễm dầu ở mức nghiêm trọng.
“Ngoài ra, việc xây dựng khu dịch vụ công nghiệp hậu cần cảng, logistics phía trong bờ sẽ có thể chiếm dụng diện tích rừng ngập mặn có chức năng bảo vệ đường bờ gây xói lở bờ biển khu vực lân cận”, bà Anh cho biết thêm.
Phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường biển và cảng biển xanh, là một phần của chiến lược phát triển kinh tế bền vững theo chủ trương và xu thế chung. Phát triển cảng xanh trong điều kiện của Việt Nam là một quá trình dài với nhiều thuận lợi và thách thức đòi hỏi phải được xem xét, đánh giá cụ thể để có được kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 7/2018, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển cảng biển xanh tại Việt Nam”. Đến nay, Đề án đã đưa ra những tiêu chí đánh giá và công nhận cảng xanh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Theo đó, mô hình phát triển cảng xanh cần được lồng ghép trong giải pháp tổng thể quốc gia về phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu). Theo đó, một mặt cảng biển cần chủ động trong tổ chức thực hiện mục tiêu xanh hóa hoạt động khai thác cảng, mặt khác các mối tương quan chính giữa cảng biển với môi trường bên ngoài, với chuỗi cung ứng cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất nhập khẩu cũng cần được xem xét, đánh giá, phối kết hợp để đạt được hiệu quả tổng thể cao hơn.
Với những đặc thù của hoạt động cảng biển, hiện trạng hoạt động và các quy định của pháp luật đối với cảng biển, việc xây dựng tiêu chí về cảng sinh thái cho cảng biển Việt Nam chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, những yêu cầu về sử dụng năng lượng sẽ được lồng ghép vào các tiêu chí khác. Tiêu chuẩn cảng xanh cho các cảng biển Việt Nam sẽ giúp xây dựng bộ máy quản lý môi trường một cách chuyên nghiệp, đồng bộ, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho đơn vị quản lý cảng biển; các cảng biển tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế; các cảng có thể gia nhập Hiệp hội cảng biển sinh thái trong khu vực và trên thế giới, nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam.
Để thực hiện cam kết và kế hoạch quản lý môi trường, năng lượng, các cảng biển cần xây dựng bộ máy quản lý môi trường, năng lượng, chủ yếu sử dụng nhân lực kiêm nhiệm có liên quan, hạn chế sử dụng cán bộ chuyên trách. Các cảng phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về quản lý môi trường và năng lượng theo quy định hiện hành của pháp luật, quy định của địa phương, của ngành. Đồng thời, các cảng biển sẽ xác định vấn đề môi trường cần được cải thiện để mang lại hiệu quả cao. Các giải pháp này cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện, phụ thuộc vào vấn đề cần được cải thiện, nguồn lực đáp ứng của cảng.
Cùng với đó, cần tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức cho CB, CNV của cảng về chính sách và kế hoạch quản lý môi trường, năng lượng. Ban Quản lý môi trường và Năng lượng sẽ là đầu mối tiếp nhận những đóng góp của mọi đối tượng về vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng của cảng; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong công tác quản lý, vận hành và cân bằng được mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi hiện có nhằm phát triển kinh tế, duy trì phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân trong khu vực.
Các tiêu chí về cảng xanh cần được thực thi như: Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm hướng tới phát triển bền vững. Ngoài ra, cần kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước cũng là việc cần chú ý vì cảng biển sẽ sử dụng một khối lượng lớn nước ngọt phục vụ trong hoạt động sản xuất. Do đó, phải xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng, sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước. Đặc biệt, phải kiểm soát nước thải, xây dựng các cơ sở tiếp nhận chất thải từ tàu tại cảng...
Nguồn: Tạp chí Giao thông