Xác định logistics là ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 1-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước của năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, logistics (hậu cần) là ngành kinh tế quan trọng rất cần cho nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, tổng giá trị ngành logistics tương đương từ 21-25%GDP quốc gia, tức là lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây được coi là ngành siêu lợi nhuận, nhưng nhiều năm bị bỏ ngỏ ở Việt Nam. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ xác định logistics là ngành mũi nhọn, quản lý tập trung thông qua Ủy ban Quốc gia. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần nhanh chóng xây dựng đội tàu viễn dương Việt Nam, giành lại thị phần vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài. “Đây là việc đã được khởi động từ mấy chục năm về trước, khi Chính phủ thành lập Công ty vận tải biển Việt Nam. Tuy nhiên, hướng phát triển tiềm năng này đã không được chú trọng, có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là sau sự cố Vinashin và Vinalines", đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.


Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quốc hội. 

Bày tỏ lo lắng trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho hay, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 1.300 trẻ em bị xâm hại. “Nhiều sự việc nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra lại bị bỏ lọt, khó chứng minh tội phạm”, đại biểu nói. Trong số nhiều nguyên nhân, nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh đến việc gia đình chưa trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tránh bị xâm hại; khi vụ việc xảy ra thì một số gia đình “cam chịu bỏ qua, chấp nhận đau đớn về tinh thần”, hoặc đưa vụ việc ra công luận thì lại thiếu chứng cứ để xử lý người phạm tội...

Ngoài ra, nữ đại biểu cũng cho rằng, Luật Giám định chưa có quy định riêng cho loại vụ án này, gia đình người bị hại chỉ có thể trưng cầu giám định sau 7 ngày…, trong khi các vụ án này càng kéo dài càng tổn thương trẻ nhỏ. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị sửa luật theo hướng cho phép gia đình  nạn nhân được trưng cầu giám định ngay sau khi vụ việc xảy ra. Nữ đại biểu đặt vấn đề: “Theo luật có 15 cơ quan bảo vệ trẻ em và Bộ Lao động là cơ quan đầu mối, nhưng không cơ quan nào đưa ra được số liệu đầy đủ, chính xác về nạn xâm hại tình dục trẻ em”.


Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: Quốc hội.

Nhấn mạnh văn hóa chính là nền tảng đạo đức của con người, đạo đức xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đoàn TP Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng khi cho rằng, thực trạng đạo đức xã hội đang có biểu hiện xuống cấp khi những vụ án nghiêm trọng, đau lòng ngày càng xảy ra nhiều, khiến xã hội, người dân bất an. Đại biểu cho rằng trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập sâu đến nội dung này, chưa đề cập đến những vướng mắc, khó khăn, những điều cần giải quyết để qua đó đạt được mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, theo tinh thần Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Với vai trò quan trọng của văn hóa như vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa.

Đại biểu TP Đà Nẵng cũng nêu thực trạng người Việt Nam đang có trung bình 10 năm sống không khỏe. Đại biểu cho biết: Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi. Trong đó, từ 80 tuổi trở lên có 2 triệu người, khoảng 65% người cao tuổi sống ở nông thôn. Trong những năm qua, nhờ làm tốt chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống được nâng lên, tuổi thọ người Việt Nam được nâng lên khá cao: 73,4 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi độ tuổi khỏe mạnh lại thấp: 64 tuổi. Đại biểu chỉ ra, như vậy chúng ta có khoảng 10 năm sống không khỏe. Người cao tuổi Việt Nam còn đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là những bệnh mãn tính, lại sống trong điều kiện khó khăn về vật chất. "67% người cao tuổi Việt Nam sống trong tình trạng yếu, rất yếu. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng, chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi cũng như hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi, đặc biệt là hệ thống trại dưỡng lão...", đại biểu nêu vấn đề. Đại biểu nhấn mạnh, chăm lo cho người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội mà còn là đạo lý ngàn đời của dân tộc và đề nghị Chính phủ có nhiều giải pháp, chính sách để người cao tuổi được sống vui, sống tốt, sống khỏe.

Theo qdnd.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2