Đối thoại chính sách Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực phân phối và logistics là chương trình định kỳ 02 năm một lần do Bộ Công Thương Việt Nam (đầu mối là Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng của Hàn Quốc luân phiên tổ chức, bắt đầu từ năm 2013 cho tới nay. Mục đích của đối thoại chính sách nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực phân phối và logistics.
Thông qua các phiên đối thoại chính sách, Việt Nam đã học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của phía Hàn Quốc trong việc xây dựng chính sách pháp luật để phát triển và quản lý ngành phân phối và logistics; đồng thời cũng giúp giúp các doanh nghiệp phân phối và logistics của hai nước tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư, mở rộng thị trường.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến |
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương nhấn mạnh, cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, sự hiện diện của đông đảo người tiêu dùng thế hệ trẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực truyến, bán bán hàng đa kênh... Đặc biệt các kênh bán hàng trực tuyến lại càng phát huy vai trò trong bối cảnh dịch bệnh. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019.
“Tuy nhiên, về cơ bản các chính sách pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực phân phối và logistics vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành, do vậy chưa thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển” – ông Trần Duy Đông thẳng thắn chỉ rõ. Do vậy, trong Hội nghị trực tuyến trong lĩnh vực phân phối và logistics giữa Việt Nam – Hàn Quốc năm 2021, Bộ Công Thương mong muốn cùng phía Hàn Quốc và toàn thể quý vị trao đổi, thảo luận về chính sách pháp luật, kinh nghiệm quản lý của Hàn Quốc (một trong những nước có ngành phân phối bán lẻ phát triển trên thế giới) để tìm ra những giải pháp giúp cho cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành phân phối Việt Nam phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các Tập đoàn bán lẻ quy mô lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, giữa kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống.Trong lĩnh vực logistics, với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, áp dụng công nghệ 4.0, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.
Tại Hội nghị đối thoại chính sách trực tuyến năm 2021, hai bên đã trao đổi và chia sẻ về các chủ đề như: Giới thiệu ứng dụng "Scan sản phẩm Hàn Quốc" đến khách hàng và các nhà nhập khẩu của Việt Nam; Thực trạng và chính sách phát triển hệ thống cửa hàng outlet tại Hàn Quốc; Chia sẻ kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…) tại Hàn Quốc; Tiêu chí phân loại trung tâm logistics; quy định và chính sách phát triển các loại hình trung tâm logistis tại Hàn Quốc; Kinh nghiệm xây dựng và phát triển các trung tâm phân phối tổng hợp nhằm gắn sản xuất với phân phối lưu thông...
Phía Việt Nam cũng đã chia sẻ với phía Hàn Quốc về thực trạng phát triển ngành phân phối và logistics tại Việt Nam trong thời gian qua và những định hướng phát triển ngành trong thời gian tới. Theo đó, để phát triển ngành phân phối và logistics theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững, cần nâng cao vai trò của thương mại điện tử, chú trọng phát triển hạ tầng mềm (đặc biệt là đào tạo nhân lực trong ngành…).