Sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, mang lại nhiều lợi ích trong việc hợp tác kinh tế giữa Hà Lan và Việt Nam nói chung và sự phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng. Hội thảo diễn ra bên lề chuyến thăm của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến Việt Nam, tháp tùng thủ tướng có các quan chức cấp cao Chính phủ Hà Lan và hơn 70 công ty của Hà Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực logistics.
Tham dự hội thảo về phía Việt Nam, có ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), cùng một số các Hội viên của Hiệp hội VLA,... Về phía Hà Lan, có ông André Driessen, Giám đốc Sở doanh nghiệp quốc tế Bộ Ngoại giao, Hà Lan; Ông Joost Lansen, Quản lý dự án cao cấp tại Royal Haskizing DHV Hà Lan.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Duy Hiệp cho rằng: "Đây có thể xem là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển logistics nông nghiệp (argo-logistics) và tích hợp phát triển cụm nông nghiệp với phát triển cụm cảng và đường thủy nội địa. Đồng thời, các doanh nghiệp Hà Lan có cơ hội được biết về tình hình logistics tại Việt Nam cũng thách thức của logistics nông nghiệp Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai".
Bên cạnh đó PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa đã chia sẻ với các doanh nghiệp Hà Lan tổng quan về ngành dịch vụ logistics Việt Nam ở ĐBSCL, đưa ra những lợi thế phát triển ngành dịch vụ logistics tại ĐBSCL thông qua doanh số xuất khẩu ở các mặt hàng chủ yếu như nông sản và thủy sản. PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa đánh giá ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông, thủy sản tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện từ phía Hà Lan đã đưa ra một số các khái niệm mới về hạ tầng công nghệ thông tin đã áp dụng rộng rãi tại thị trường ngành dịch vụ logistics Hà Lan như Cảng thông minh, Sông thông minh,... Một hệ thống cảng biển muốn đạt hiệu quả năng suất cao thì không chỉ xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng mà bên cạnh đó còn phát triển về hạ tầng công nghệ (Bigdata, quản lý dữ liệu, ứng dựng phần mềm hiện đại,...).
Về Cảng thông minh và Sông thông minh, hệ thống hoạt động dựa trên nền tảng ứng dụng trên điện thoại thông minh, hoặc trên máy tính, hoạt động theo nguyên lý thu thập dữ liệu và phân tích. Để từ đó, có thể giúp mạng lưới logistics hoạt động một cách trơn tru và tối ưu nhất như định hướng tuyến đường hiệuquả nhất cho tàu biển, thông báo chính xác thời gian hàng hóa cập bến, cắt giảm thời gian chờ, nâng cao hiệu quả nhờ hệ thống thông minh, hiện đại.
Hội thảo lần này là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hà Lan trong ngành dịch vụ logistics. Nhân sự kiện lần này, Việt Nam hi vọng tìm được phương hướng phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống giao thông Việt Nam đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện kết nối trong nước để thúc đẩy thương mại quốc tế.
Nguồn: vla