Sáng 17/9, tại hội thảo đầu kỳ "Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Sở Công Thương TP. HCM tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc sở này, cho biết thành phố đang hoạch định chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của thành phố mà còn của cả khu vực, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam còn 16% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi thành phố phải đồng bộ cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng logistics.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, để chuẩn bị cho việc hình thành một hệ sinh thái đầu ngành trong lĩnh vực logistics, TP đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) thực hiện đề án phát triển ngành logistics. "Đề án gồm 7 chuyên đề nhằm hướng đến 3 mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics TP dựa trên nguyên tắc liên kết vùng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thành lập 3 trung tâm logistics theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2015; nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng chuyên môn hóa để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Trên cơ sở nghiên cứu, đề án sẽ đề xuất chiến lược liên kết vùng trong phát triển logistics; xác định vị trí, quy mô xây dựng các trung tâm logistics và giải pháp nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ logistics" - ông Hòa nói.
Về thực trạng phát triển hệ thống hạ tầng logistics của TP. HCM, đặc biệt là hệ thống cảng cạn (ICD), thạc sĩ Tô Thị Hằng (thuộc VLI) nhìn nhận hiện khu vực phía Nam có 12 ICD, trong đó những ICD ra đời sau có quy mô lớn hơn và bổ sung dịch vụ trọn gói, mang hơi hướng một trung tâm logistics và kết nối với đường thủy nội địa, gần các cảng biển nhưng chưa gần nguồn hàng. Theo Quyết định 1201/2018 của Bộ Giao thông Vận tải về quy hoạch, khu vực phía Nam sẽ có 31 ICD mới, phần lớn tập trung phía Đông Bắc TP (24 ICD). Đến năm 2030 toàn TP sẽ có 8 hệ thống ICD trên tổng diện tích 102 - 137ha, năng lực hàng hóa thông qua từ 1,38-1,89 triệu container. Hiện TP có 6 hệ thống ICD nhưng 5/6 đã có quyết định di dời và đã khai thác vượt công suất thiết kế.
Khảo sát của VLI chỉ ra rằng hầu hết các cụm cảng của TP đều đang tồn tại nhiều trở ngại, trong đó tắc nghẽn hạ tầng, kẹt xe nghiêm trọng; cạnh tranh thiếu lành mạnh; cảng nhỏ lẻ, thiếu liên kết, khả năng kết nối nội địa yếu; hậu cần cảng phát triển ì ạch gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; cảng nằm trong nội thành, ven đô và không thể phát triển, mở rộng.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều DN bày tỏ băn khoăn và ưu tư về hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Quan trọng là phải xác định lại mô hình và đường hướng kinh doanh. Nên xác lập các trung tâm logistics theo hướng B2B (DN với DN) và các ICD là những cảng biển nối dài. TP. HCM là đầu mối giao thương, trong tương lai sẽ không còn là trung tâm xuất nhập khẩu mà là trung tâm dịch vụ, thương mại nên có thể mở một trung tâm phân phối nằm giáp ranh TP. HCM và Bình Dương để phục vụ cho các KCN ở Đồng Nai, Bình Dương và phân phối lại cho TP. HCM.
Khảo sát của VLI cũng chỉ rõ dưới góc độ DN, vị trí đặt trung tâm logistics phù hợp nhất là khu vực Thủ Đức - quận 9 (khu đô thị Đông TP. HCM). 41% DN được khảo sát chọn vị trí này bởi giao thông thuận tiện, gần trung tâm kinh tế cùng các yếu tố như khả năng phát triển sân bay Long Thành, cảng Cái Mép. 19% DN cho rằng không nên đặt trung tâm logistics tại TP. HCM.