Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng dịch vụ vận tải biển, logistics vẫn vận hành đúng định hướng, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội, với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
8 tháng năm 2021, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện phương thức sản xuất “3 tại chỗ” dẫn đến lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giảm. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 481,5 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng) tăng 4%. Khối lượng hàng hóa bằng container thông qua cảng biển đạt 16,6 triệu Teus, tăng 18%. Tàu mang cờ nước ngoài thông qua các cảng đạt 43.269 lượt, tăng 9%. Lượt tàu mang cờ Việt Nam thông qua đạt 43.599 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020…
Về chỉ số hoạt động logistics (LPI), theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chỉ số hoạt động LPI của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động dịch vụ vận tải biển, logistics còn gặp nhiều khó khăn bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế trên thế giới thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành Giao thông - Vận tải, như sản lượng vận chuyển, luân chuyển toàn ngành giảm; gián đoạn việc triển khai một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và logistics; giá cước vận tải biển, giá cước vận chuyển container tăng cao; năng lực của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế các dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics chất lượng cao; giấy đi đường cho các nhân viên hãng tàu, đại lý giao nhận hàng hóa chỉ được cấp hạn chế ảnh hưởng tới việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng; thiếu nhân công làm việc tại các bến cảng… Cùng với đó việc tiêm vắc xin cho các đối tượng liên quan đến hoạt động trên tàu biển, tại các cảng còn hạn chế.
Tại hội nghị, các đại biểu và doanh nghiệp vận tải các điểm cầu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn những khó khăn trong lĩnh vực vận tải biển và logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đề xuất những biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, đề xuất sớm xây dựng chính sách, pháp luật về vận tải, logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với khó khăn do dịch bệnh, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Đề nghị Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục ưu tiên dành nguồn vắc xin cho các đối tượng tham gia hoạt động vận tải và logistics. UBND các tỉnh, thành phố ban hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành hàng hải, logistics nhằm duy trì lực lượng lao động, phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa tại khu vực cảng biển.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trọng yếu, hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động giao thông - vận tải…
Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đề nghị Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa thông báo cho các chủ tàu khi ra vào các cảng biển làm thủ xuất, nhập hàng thống kê số lượng thuyền viên và lịch trình của tàu ra vào cảng. Đồng thời, tổng hợp số lượng thuyền viên báo cáo UBND tỉnh để có phương án tổ chức tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 cho thuyền viên theo quy định.