Sáng kiến chuyển tải giải “nút thắt” đầu tư cảng biển

Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đã nghiên cứu, đề xuất thiết lập các khu chuyển tải trên biển mang lại những lợi ích rất lớn...

 

Thay vì chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng biển để đón tàu lớn vận tải hàng hóa xuất khẩu, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đã nghiên cứu, đề xuất thiết lập các khu chuyển tải trên biển. Sau 3 năm khai thác, những khu chuyển tải này mang lại những lợi ích rất lớn, giải “nút thắt” điểm nghẽn cảng biển, vừa góp phần giảm tải cho các tuyến đường bộ.

 

Một mũi tên trúng nhiều đích

 

Cuối tháng 3/2019, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt trên con tàu chuyên dụng của Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình kiểm tra Khu chuyển tải tạm phục vụ bốc xếp vật liệu đá và clinker tại Cửa Gianh (Khu chuyển tải Cửa Gianh). Tại vị trí cách bờ chừng 4km, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một con tàu biển khổng lồ với những tay cẩu vươn dài đang lần lượt gắp hàng từ tàu nhỏ lên boong.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho biết, tàu lớn là tàu Crown Vision có tải trọng 51.029 tấn mang quốc tịch Bangladesh, vào neo ở khu chuyển tải từ ngày 26/3 để nhận clinker xuất khẩu. Những tàu nhỏ là tàu chuyển tải có tải trọng 900 - 1.200 tấn. Chúng có nhiệm vụ đưa clinker theo tuyến đường thủy nội địa từ các nhà máy ở thượng nguồn sông Gianh ra đây chuyển tải. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ sau 4 ngày bốc xếp, tàu Crown Vision có thể nhổ neo.

 

Đây là chuyến tàu biển tải trọng lớn thứ 5 kể từ đầu năm 2019 vào làm hàng tại đây; cũng là chuyến tàu thứ 90 kể từ khi khu chuyển tải này hình thành. “Theo tính toán, trong vòng hơn 3 năm qua, các khu chuyển tải tại Cửa Gianh, cảng Hòn La (tỉnh Quảng Bình) đã kéo giảm tương đương khoảng 6.000 lượt xe loại 50 tấn/tháng lưu thông trên đường bộ; giảm được khoảng 40% chi phí vận tải hàng hóa”, ông Tuấn nói.

 

Là cán bộ điều hành công tác vận tải của Công ty CP Xi măng Sông Gianh từ những ngày Khu chuyển tải Cửa Gianh còn phôi thai ý tưởng, cho đến khi được Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) ký quyết định công bố, ông Trần Đình Hạnh nhớ lại: “Trước đây, clinker và xi măng phải vận chuyển bằng đường bộ từ nhà máy ra Cửa Gianh rồi mới vận chuyển lên tàu. Nhưng do luồng hàng hải cảng Gianh có độ sâu thấp nên chỉ các tàu nhỏ mới vào được (tải trọng 800 - 900 tấn) vì thế hàng hóa không xuất bán ra nước ngoài được. Còn nếu vận chuyển ra cảng Hòn La, quãng đường dài hơn cả vài chục kilômét. Trong khi ở đó tàu lớn nhất vào được cũng chỉ 15 nghìn tấn hạ tải. Thành ra công ty cũng không chủ động được việc cung ứng hàng cho các đối tác, khó tìm đầu ra vì giá thành bị đẩy lên cao”.

Kể từ khi Khu chuyển tải Cửa Gianh đi vào hoạt động, xi măng và clinker của Nhà máy Xi măng Sông Gianh từ băng chuyền của nhà máy được đổ thẳng xuống xà lan, rồi theo sông Gianh về khu chuyển tải. Tại đây, hàng được chuyển lên những tàu có tải trọng 40 - 50 nghìn tấn, trước khi đi khắp thế giới.

 

“Khu chuyển tải Cửa Gianh đi vào hoạt động đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí vận chuyển và tiết kiệm được 40% tổng chi phí cho Nhà máy Xi măng Sông Gianh”, ông Hạnh nói và cho rằng, việc sà lan di chuyển trên sông Gianh thường xuyên cũng sẽ tạo cho luồng lạch sông Gianh được khơi thông, tránh tình trạng bồi lắng.

 

Kết nối các phương thức vận tải

 

Theo tìm hiểu, Quảng Bình là tỉnh có nhiều nhà máy xi măng công suất lớn. Điển hình như các Nhà máy Xi măng Văn Hóa công suất 1,6 triệu tấn/năm, Xi măng Sông Gianh có công suất 1,4 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn nhiều nhà máy xi măng công suất nhỏ… Hàng sản xuất ra đều thông qua cảng thủy nội địa và cảng biển khu vực. Ngược lại, nguyên nhiên liệu phục vụ các nhà máy nói trên cũng thông qua hệ thống cảng này, ở mức khoảng 3 - 4 triệu tấn/năm. Những năm gần đây, nhu cầu thị trường quốc tế về mặt hàng xi măng và clinker tăng mạnh, số lượng tàu biển tải trọng lớn vào lấy hàng cũng tăng. Trong khi đó, về cảng biển ở Quảng Bình đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Quảng Bình có 2 khu vực hàng hải là khu vực Hòn La và khu vực Sông Gianh. Hiện ở đây có 4 bến cảng nhưng cảng có luồng và bến tốt nhất mới chỉ đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 10 nghìn tấn đủ tải và 15 nghìn tấn giảm tải. Trong xu thế kết nối và cạnh tranh, Quảng Bình đứng trước tình thế một là phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, xây dựng cầu cảng cứng để đón tàu lớn, hai là chịu mất dần thị phần ở khu vực.

 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN về kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt và đường thủy (logistics cảng biển). Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, cùng các doanh nghiệp để thực hiện việc thiết lập khu chuyển tải. Ông Nguyễn Văn Tuynh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Thắng Lợi chia sẻ: “Khi ý tưởng lập khu chuyển tải được đưa ra, chúng tôi đã chủ động phối hợp với cảng vụ và các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình các cấp. Đồng thời, chúng tôi bỏ kinh phí cải tạo vùng cạn, đặt phao tiêu, xây dựng phương án bốc xếp dỡ an toàn cho tàu tra vào khu chuyển tải”.

 

“Nhờ khu chuyển tải, số lượng hàng hóa thông qua cảng chúng tôi không ngừng tăng. Trước đây, những tàu lớn cấp than, lấy clinker đều phải đậu mãi cảng Hòn La, nay neo đậu ở khu chuyển tải. Xe đưa hàng về cảng, chúng tôi bốc xuống tàu nhỏ đưa ra khu chuyển tải, vừa nhanh vừa tiết kiệm chi phí”, ông Tuynh nói.

 

Từ năm 2015 đến nay, Quảng Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp thiết lập được 4 khu chuyển tải hàng hóa nằm dọc theo hệ thống cảng biển. Trong đó lớn nhất là Khu chuyển tải Cửa Gianh của Công ty Thắng Lợi, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải tới 50 nghìn tấn.

 

Từ năm 2015 đến nay, có khoảng 6.000 lượt tàu ra vào các cảng Quảng Bình với khối lượng hàng hóa thông qua các cảng, khu chuyển tải khoảng 9 triệu tấn. Trung bình mỗi năm khoảng 1.000 lượt tàu với 3 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng biển, khu chuyển tải. Với khối lượng hàng hóa đó, mỗi ngày giảm được gần 200 lượt xe lưu thông trên đường bộ, giảm 40% chi phí vận tải hàng hóa. Điều này góp phần giảm tải đường bộ, bảo vệ, tăng tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giảm tai nạn, ách tắc giao thông. 

 

Theo tìm hiểu của PV, dù khu chuyển tải mang lại hiệu quả nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, không phải lúc nào tàu cũng neo làm hàng được. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cảng biển còn hạn chế như hiện nay, việc đưa vào khai thác các khu chuyển tải thực sự đã giải được bài toán phát triển vận tải thủy, vận tải biển. Sau thành công của Quảng Bình, một số cảng biển ở các tỉnh lân cận cũng lập ra khu chuyển tải như: Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Việt (Quảng Trị)...

 

Nguồn: Báo Giao thông

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2