Sàn giao dịch vận tải là một ứng dụng cụ thể của kinh tế chia sẻ trong logistics, một công cụ giúp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong lĩnh vực này.
Chức năng chính của sàn giao dịch vận tải là kết nối giữa chủ xe và chủ hàng. Đối với chủ xe, sàn sẽ giúp khai thác thêm nguồn hàng, tối ưu hóa việc chạy xe trên đường, giảm chi phí xe chạy rỗng. Đối với chủ hàng, lợi ích mang lại là tìm kiếm được phương tiện vận chuyển trong thời gian nhanh nhất với giá cả hợp lý.
Kể từ sau khi sàn giao dịch vận tải đầu tiên vinatrucking.vn được khai trương cuối năm 2015, đến nay đã có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này, như izifix.com, sanvanchuyen.vn, ecotruck.vn, logivan.com, loglag.com, gosmartlog.com, tadi.biz, bonbon24h.vn. Cùng với hình thức trang web, các sàn giao dịch đều phát triển app (ứng dụng) trên thiết bị di động để bắt kịp xu hướng kinh doanh trên các thiết bị này.
Được coi là một lĩnh vực đầy triển vọng, một số sàn giao dịch vận tải đã tạo nên những thay đổi đáng chú ý trên thị trường vận tải và được các quỹ đầu tư rót vốn. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn giao dịch này đều còn phải đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển của mình.
Thứ nhất, về phương diện pháp lý, các sàn giao dịch vận tải sẽ phải chịu điều chỉnh của nhiều nguồn luật khác. Một chủ sàn giao dịch phát biểu một cách tự tin: “Chúng tôi đã đăng ký với Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương chấp nhận, thế là yên tâm rồi!”: Thực ra, hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp này gửi đến Bộ Công Thương chỉ để nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 52-2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, theo đó sàn giao dịch được coi là một dạng trang web thương mại điện tử nên phải đăng ký với bộ này. Việc được Bộ Công Thương công nhận trang web thương mại điện tử không loại trừ trách nhiệm của sàn giao dịch ở những khía cạnh pháp lý khác.
Nhìn sang hoạt động tương tự là lĩnh vực vận tải hành khách, sự đổ bộ của Grab, Uber đã “gây bão” trên thị trường vận tải taxi. Chỉ trong vài năm, hoạt động của các đơn vị này đã thay đổi mạnh mẽ quan niệm về taxi và trở nên quen thuộc với người dùng Việt Nam.
Uber nay đã rút khỏi thị trường, nhưng lại xuất hiện những gương mặt mới như Go-Viet, FastGo hay Be. Vụ kiện dằng dai giữa Vinasun và Grab đã tạo ra hai phe ủng hộ cho mỗi bên, và sự tranh cãi ở ngoài phiên tòa có khi còn nóng bỏng hơn cả chốn công đường, nhưng rốt cuộc câu hỏi Grab là doanh nghiệp công nghệ hay doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Do vậy, nếu soi tấm gương của vận tải taxi sang vận tải hàng hóa sẽ thấy địa vị pháp lý của các sàn giao dịch vận tải còn khá bấp bênh khi một ngày nào đó câu hỏi tương tự được đặt ra cho các doanh nghiệp vận hành những sàn giao dịch này.
Thứ hai, nhìn về đối tượng khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa có đặc thù khác biệt với vận tải taxi. Vận tải taxi thường là quãng đường ngắn, số lượng hành khách cho mỗi xe không cần nhiều, nhưng số lượng khách hàng khá tập trung (đặc biệt là ở các đô thị), do vậy việc sử dụng app gọi xe là khá phù hợp. Còn với xe tải, việc vận chuyển thường là theo kế hoạch và được điều độ bởi doanh nghiệp chủ xe, việc kết nối nguồn hàng chỉ có ý nghĩa nhất khi tìm được nguồn hàng ở chiều chạy về để giảm tỷ lệ chạy rỗng.
Mặt khác, trong khi vận tải taxi chỉ có một đối tượng là hành khách thì đối tượng của vận tải hàng hóa khá đa dạng. Do vậy, các sàn giao dịch vận tải phải thiết kế để đáp ứng nhiều loại nhu cầu khác nhau, hoặc chỉ đi sâu vào một nhóm hàng hóa nào đó (vận tải container, vận tải hàng lạnh, vận tải hàng rời...).
Thứ ba, cũng giống như các sàn giao dịch thương mại điện tử, các sàn giao dịch vận tải thời kỳ đầu luôn phải vượt qua rào cản về tạo lập niềm tin với chủ hàng. Những nghi ngại về tính chuyên nghiệp trong hoạt động, về đạo đức của tài xế, về trách nhiệm khi xảy ra tổn thất hàng hóa làm cho tỷ lệ giao dịch thành công chưa cao.
Một doanh nghiệp dệt may đã phản ánh, doanh nghiệp này giao hàng cho một tài xế thông qua sàn giao dịch vận tải, khi xảy ra mất mát, doanh nghiệp sàn giao dịch mặc nhiên coi đó là việc của chủ hàng với tài xế. “Tôi cảm thấy niềm tin của tôi bị đặt sai chỗ, và không còn muốn sử dụng hình thức dịch vụ này nữa” - doanh nghiệp dệt may bức xúc.
Như vậy không có nghĩa là mọi thứ đang đóng cửa với các sàn giao dịch. Nhiều doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp dịch vụ logistics đều khẳng định đây là một xu hướng tất yếu. Sản xuất hàng hóa, cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, của nước ta đang phát triển, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu vận tải hàng hóa chỉ có tăng mà không giảm.
“Vấn đề là ở cách làm, cách triển khai của các sàn giao dịch”, đại diện một doanh nghiệp dịch vụ logistics khẳng định và bày tỏ sẵn sàng hợp tác để kết nối các sàn giao dịch vận tải với chủ hàng.
Nhưng thời gian không chờ đợi. Đất nước hội nhập, mở cửa nên sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này được báo hiệu sẽ là một thực tế không xa. Tất cả sàn giao dịch vận tải Việt Nam hiện nay đều là những doanh nghiệp khởi nghiệp với thời gian chưa lâu, ngay cả một số sàn được các quỹ đầu tư rót vốn nhưng cũng chưa đáng kể.
Nếu các sàn giao dịch này không kịp lớn mạnh, đến một ngày khi có “ông lớn” tương tự như Grab xuất hiện trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, liệu các sàn giao dịch này có còn đứng vững. Với lợi thế về vốn, về kinh nghiệm quản lý và thu hút khách hàng, một Grab trong lĩnh vực hàng hóa sẽ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường màu mỡ này.
Các sàn giao dịch vận tải Việt Nam nghĩ gì trước thực tại đó. Phải chăng ngay từ bây giờ, họ cần phải liên minh, liên kết với nhau thành một thực thể đủ lớn để có thể gây dựng niềm tin, quảng bá dịch vụ đến chủ hàng, có nguồn lực để triển khai các hoạt động tiếp thị một cách chuyên nghiệp, đồng thời quản lý tốt mọi công đoạn của quá trình vận tải. Việc hình thành liên minh G7 trong lĩnh vực taxi là một bài học đáng suy nghĩ cho các doanh nghiệp chủ sàn, vấn đề là khi nào họ có thể ngồi với nhau để bắt tay thực hiện?
Nguồn: thesaigontimes