Sự việc kẹt xe nghiêm trọng, kéo dài trên các tuyến đường Vành đai, Mai Chí Thọ… dẫn vào cảng Cát Lái đã phần nào phản ánh hiện trạng chất lượng logistics tại TPHCM: Kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, làm hàng hóa giảm tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực… Các chuyên gia cho rằng, để ngành logistics tại TPHCM phát triển, một trong những “nút thắt” cần được tháo gỡ đầu tiên là quy hoạch tổng thể (với sự sắp xếp hạ tầng một cách phù hợp hơn trong kết nối vận chuyển với toàn vùng).
Sắp xếp lại cảng biển
Hệ thống cảng biển TPHCM đóng vai trò trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường biển lớn nhất khu vực phía Nam, dự kiến tổng công suất cụm cảng đạt khoảng 200 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2020-2025. Vừa qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, nên chẳng những chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà còn gây áp lực cho giao thông nội đô: ách tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái; cảng Hiệp Phước thì lượng hàng hóa về chưa nhiều.
Vì thế, TPHCM đang khẩn trương di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành. Mới đây, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án thực hiện dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (giai đoạn 2) để phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội; báo cáo phương án di dời cảng Tân Thuận khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao nhiệm vụ đề xuất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích đất của các cảng đã di dời. Còn UBND huyện Nhà Bè phải phối hợp với Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đẩy nhanh tiến độ bồi thường, để sớm bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn xây dựng cảng mới. Sở Giao thông Vận tải được giao nghiên cứu việc thành lập ban điều phối hoạt động chung của hệ thống cảng biển trên địa bàn TP, đồng thời đề xuất phương án bảo đảm an toàn, tránh ùn tắc giao thông cho các phương tiện vận tải ra vào khu cảng Hiệp Phước khi di dời các cảng tại quận 4 và quận 7 về.
Tàu vào bốc dỡ hàng tại khu cảng Cái Mép
Bên cạnh đó, sản lượng hàng container qua cảng biển TPHCM năm 2015 đã vượt số lượng dự báo tại kịch bản thấp vào năm 2020 và sản lượng hàng container qua cảng Bình Dương năm 2015 đã vượt 87% của dự báo năm 2020. Vì thế, cần so sánh thực trạng và dự báo sản lượng hàng container thông qua nhóm cảng biển Đông Nam bộ (hiện nay Cục Hàng hải đang rà soát để điều chỉnh quy hoạch này).
Xây dựng các trung tâm logistics
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tại TPHCM sẽ có 2 trung tâm hạng 2, quy mô mỗi trung tâm đến năm 2020 tối thiểu là 40ha và đến năm 2030 là trên 70ha. Hai trung tâm này sẽ kết nối với các cảng cạn, cảng biển (cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp... Đồng thời, có thể xây dựng trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành, hoặc xây dựng đường giao thông thuận tiện kết nối trực tiếp đến cảng hàng không, với quy mô tối thiểu đạt 7 - 8ha đến năm 2020. Để kết nối TPHCM với toàn khu vực, tại tiểu vùng kinh tế các tỉnh phía Đông Bắc TP sẽ có một trung tâm hạng 1 với quy mô tối thiểu 100ha; còn tiểu vùng kinh tế các tỉnh phía Tây Nam TP sẽ có một trung tâm hạng 2 với quy mô tối thiểu là 50ha.
Việc lập quy hoạch hệ thống trung tâm logistics của TP hiện được giao cho Sở Công thương chủ trì. Theo phân tích và đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, TPHCM có 4 địa điểm có thể xây dựng, phát triển thành các trung tâm logistics quy mô lớn: Hiệp Phước (Nhà Bè), Cát Lái (quận 2), Linh Trung (Thủ Đức) và Củ Chi. Còn theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cần nghiên cứu xu thế đầu tư phát triển logistics tại các khu công nghiệp, bố trí các kho ngoại quan để giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời chú trọng khai thác, phát triển giao thông đường thủy, đường sắt - là những loại hình giao thông có sức chở lớn - để vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất và giảm ùn tắc giao thông đường bộ. Trong quá trình xây dựng các trung tâm logistics phải rà soát, tháo gỡ hệ thống đường liên cảng để đồng bộ hóa với hệ thống cảng, kết hợp với điều chỉnh hệ thống bến thủy nội địa, để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và phục vụ du lịch bằng đường thủy.
Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, để phục vụ cho công tác di dời cảng ICD Trường Thọ, TP đã triển khai xây dựng cảng ICD tại Long Bình (quận 9) có diện tích 50ha; theo định hướng, sẽ thành lập một số cảng ICD mới tại Khu công nghiệp Đông Nam (10ha), Khu Công nghệ cao (6ha)... Vì thế, khi lập quy hoạch các trung tâm logistics cần cập nhật các định hướng mới để có hướng bố trí hạ tầng phù hợp và nghiên cứu nâng cao tĩnh không của một số cầu, để phục vụ hoạt động của các cảng ICD.
Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam luôn ở mức thấp - dưới 20%, những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, thậm chí xuống dưới 10%. Đường sắt, đường thủy nội địa chưa phát huy được vai trò, thị phần vận tải ngày càng sụt giảm; ở giai đoạn 2000-2014, thị phần đường sắt giảm từ 1,3% xuống còn 0,4% về hành khách, từ 2,8% xuống còn 0,7% về hàng hóa, đường thủy nội địa giảm từ 17,1% xuống 4,8% về hành khách và giảm từ 25,6% xuống 17,4% về hàng hóa.
Theo sggp.org.vn