Từ đó, đáp ứng với yêu cầu của thời đại, nhất là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán, triển khai.
Đón mã hàng đầu tiên của Năm mới 2021 tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước; nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo quốc tế “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro”.
Hội thảo trực tuyến thuộc chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đồng tổ chức.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực của ngành logistics Việt Nam. Do vậy, tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 đã dành riêng một mục về đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực logistics.
Cùng với đó, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA). Đây là bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được đề cập tại Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Sự ra đời của VALOMA sẽ tạo ra một bước thay đổi về chất để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực logistics, cung ứng nguồn lao động logistics chất lượng cao cho xã hội.
Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực, cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các đơn vị cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với các nước.
Cùng đó, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đội ngũ giảng viên giảng dạy Việt Nam có chất lượng cao phục vụ cho giảng dạy trong nước.
Đồng thời, phối hợp trong việc tổ chức các chương trình đào tạo sinh viên, học viên chất lượng cao và đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo hiện có theo hướng chuyên sâu, đảm bảo tính khoa học, hệ thống và tính liên thông giữa các bậc đào tạo; kỹ năng cần thiết để tiếp cận sử dụng các công nghệ mới, chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ và khả năng vận dụng luật pháp, tập quán thương mại quốc tế.
Các đơn vị cũng phải tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với nhau và với doanh nghiệp sử dụng nhân lực, đẩy mạnh kết nối giữa khối đại học, cao đẳng nghề với khối bồi dưỡng ngắn hạn....
Ông Trần Thanh Hải đề nghị VLA và VALOMA phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo để có đánh giá, nhận định chính xác về thực trạng nguồn nhân lực logistics Việt Nam, cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp đối với nhân lực logistics. Cục Xuất nhập khẩu sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ các chính sách, biện pháp nhằm phát triển ngành logistics quốc gia trong giai đoạn tới.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến cuộc sống và nền kinh tế trên toàn thế giới; trong đó, có Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gồm cả hoạt động logistics nhưng cũng tạo ra cơ hội và thúc đẩy nhanh chóng chuyển đổi số và phương thức hoạt động mới của dịch vụ logistics.
Trước bối cảnh trên, vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực trong ngành logistics nhằm thích ứng với tình hình mới được đặt ra để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đổi mới nhằm thích ứng hay sự thay đổi từ phía nhà trường, các cơ sở đào tạo trong chiến lược đào tạo cũng tạo cho học viên, sinh viên sự thích ứng linh hoạt trước những yêu cầu mới trong thị trường lao động.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI-VLA), Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, một cơ sở đào tạo nói chung cần có sự quan tâm đến đào tạo và nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn. Hơn, cần có sự chung tay của ba nhà gồm: Nhà nước – Nhà trường– Nhà doanh nghiệp, cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro.
Tại hội nghị, ông Michael Sadlon, Giám đốc chương trình Aus4Skills bày tỏ, hội nghị đã đưa ra những định hướng để phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Cùng đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực. Từ đó, hướng đến sự phát triển bền vững và nhất là các đề xuất, giải pháp trong hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cùng AGKN về mạng lưới kết nối tri thức về nghiên cứu, tư vấn, đào tạo tập trung vào giao thông vận tải và kho vận giữa châu Á-Đức.