Nhiều nhà máy đóng cửa, ngành logistics khóc ròng

Nhiều doanh nghiệp (DN) logistics đang bị ảnh hưởng khá nặng nề, doanh thu trung bình giảm 10%, với xu hướng có thể tới 50% trong những tuần tới so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch COVID-19.

Trao đổi với PLO, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS), cho biết ngay từ đầu năm 2020, ILS đã bắt đầu nhận thấy những tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lượng đơn hàng qua đường thủy, đường bộ giảm mạnh.

"ILS có hơn 200 lao động, nay do dịch bệnh, đơn hàng giảm nên phải bố trí cho nhân viên làm việc từ xa. Một bộ phận, nhất là tài xế phải nghỉ luân phiên phòng, chống dịch. Nhưng đến thời điểm này, vẫn phải cố gắng duy trì chế độ cho người lao động" - ông Toàn cho hay.

Theo báo cáo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), do tác động của dịch COVID-19, đã có khoảng 15% DN bị giảm đến 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế 10%-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ kho bãi, kho ngoại quan, vận tải, dịch vụ hải quan. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng bị giảm nguồn thu đáng kể từ dịch vụ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Tuy nhiên, trong khó khăn chung này, vài DN lại kiếm được hợp đồng tốt nhờ khai thông bế tắc thương mại với các thị trường lớn, mà Công ty TNHH Thương mại giao nhận vận tải HNT, đang hoạt động tại TP.HCM là ví dụ.

Trao đổi với PLO, Giám đốc Nguyễn Thị Thảo Ngân cho biết: "Công ty HNT chủ yếu làm về mảng ủy thác xuất khẩu cho các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện quá trình vận chuyển qua đường bộ bị chậm nên nhiều DN đã dồn về đi đường biển, nhờ vậy đơn hàng của công ty tăng lên rất nhiều".

Cùng kỳ năm 2019, HNT chỉ nhận được tổng đơn hàng khoảng 500-600 container thì hiện tại đã tăng đột biến lên 700-800 container. Có tháng tăng lên cả ngàn container.

Bà Ngân lý giải trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, tùy thuộc vào từng ngành hàng mà DN có thể tăng trưởng tốt hoặc suy giảm. Như HNT, thế mạnh chủ yếu làm dịch vụ logistics các mặt hàng nông sản, trái cây, đều là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nên sức mua vẫn duy trì khá. Các công ty nông sản vẫn có đơn hàng để xuất khẩu, thì dịch vụ giao nhận, vận chuyển mặt hàng này cũng ổn định hơn so với các ngành hàng như máy móc, thiết bị...

Tuy nhiên, ngay cả những DN logistics đang còn trụ vững thì cũng phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ COVID-19. Một trong đó là chi phí vận tải rất cao so với các thời điểm khác, do lượng hàng tồn quá nhiều khiến cảng xuất quá tải.

"Thường phía Bắc bị ảnh hưởng nhiều hơn trong Nam, vì các đơn vị logistics làm việc ở cửa khẩu biên giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi chính sách thông quan đường bộ thay đổi. Chính sách thay đổi sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, vận hành khó khăn hơn. Nói chung nếu DN nào lựa chọn thị trường Trung Quốc thì hàng vẫn đều. Còn các thị trường khác sẽ bị giảm thiểu lại. Hàng nông lâm thủy sản vẫn làm được, còn những hàng máy móc gia công bị chững lại" - bà Ngân nói.

Trước diễn biến trên, đại diện cho ngành logistics, VLA kiến nghị Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập DN cho năm 2020. Với DN gặp khó khăn lớn về tài chính thì được giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, VLA đề xuất Chính phủ giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ cả DN sản xuất và DN logistics.

VLA cho biết theo đại lý nước ngoài của DN dịch vụ logistics, từ nay đến 30-6, Trung Quốc tạm bỏ việc thu phí sử dụng đường cao tốc và nhiều tuyến đường khác trên cả nước. Từ ngày 1-3 đến 30-6-2020, phí vận chuyển hàng hóa và chi phí lưu kho tại các cảng do chính phủ Trung Quốc quản lý được giảm 20%. Những khoản phí nêu trên có liên quan đến các dịch vụ ứng phó khẩn cấp và tàu chở hàng thông thường (không chở nhiên liệu) sẽ được miễn hoàn toàn.

Hiệp hội cũng đề nghị với hoạt động kho lạnh, kho mát bảo quản hàng xuất nhập khẩu thì cần được ưu đãi về giá điện. Bởi dịch vụ hỗ trợ sản xuất này đang phải chịu giá điện cao hơn điện sản xuất 25%-30%.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, VLA kiến nghị Chính phủ xem xét đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho ngành hải quan, giảm thiểu việc thao tác thủ công. Nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển và các bãi chuyển tải tại các cửa khẩu biên giới. Tăng tiến độ và thời gian cấp giấy phép chuyên ngành, giảm bớt thời gian thông quan và kiểm hóa tại cảng để giải phóng hàng tránh phí lưu kho bãi.

Và quan trọng hơn cả, như ý kiến một số công ty logistics, các ngành công thương, hải quan đang nắm giữ nhiều giấy phép con, cần chia sẻ hơn với người kinh doanh. Bởi chi phí bôi trơn vẫn chiếm không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu và thái độ cửa quyền, quan liêu của cán bộ hai ngành này mang lại nhiều rủi ro cho hoạt động kho vận vốn dựa nhiều vào sự tối giản, dễ đoán định và chi phí thấp.

Nguồn: plo.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2