Nhiều cơ chế ưu đãi doanh nghiệp vận tải biển

Bộ GTVT đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế ưu đãi về thuế, phí tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam...

 

Thị phần “thu hẹp” do tàu nhỏ, tập quán mua bán cũ

 

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận tải biển.

 

Văn bản số 6079 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký cho biết, tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 chiếc (tàu vận tải là 1.106 tàu) với tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.

 

“Với số lượng đó, đội tàu Việt Nam vẫn cơ bản đáp ứng được 100% thị phần vận tải nội địa, trừ một số mặt hàng chuyên dụng như tàu chở hàng xi măng rời, tàu chở khí hóa lỏng. Tuy nhiên, đối với vận tải XNK, đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận được một phần nhỏ thị phần, còn lại do tàu nước ngoài đảm nhận”, văn bản nêu rõ.

Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua, DN vận tải biển Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thị trường vận tải biển đi xuống, chưa có dấu hiệu phục hồi; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến hàng hóa XNK trên thế giới giảm, thị trường dư thừa một số lượng tàu lớn khiến đội tàu trong nước khó khăn trong cạnh tranh nguồn hàng vận tải.

 

“Đa số chủ hàng Việt Nam vẫn thực hiện tập quán mua CIF, bán FOB, quyền thuê phương tiện thuộc về các đối tác nước ngoài. Một số dự án vận chuyển hàng hóa XNK như: nhập than cho các nhà máy nhiệt điện, chủ hàng cũng thực hiện đấu thầu quốc tế, đội tàu trong nước khó có cơ hội giành hợp đồng vận chuyển.

 

Cùng đó, xu hướng giai đoạn hiện nay lại là container hóa. Đội tàu container của Việt Nam hầu hết lại là tàu cỡ nhỏ, chủ yếu chạy nội địa và chạy feeder trong khu vực Đông Nam Á, các DN Việt không đủ nguồn lực tài chính để nâng cấp đội tàu, việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại khó khăn do lãi suất cao nên rất khó cạnh tranh với đội tàu lớn, hiện đại trên thế giới”, Bộ GTVT nhận định.

 

Khó khăn là vậy, song theo Bộ GTVT, thời gian qua DN vận tải biển Việt Nam gần như không nhận được ưu đãi, hỗ trợ nào về đấu thầu, thuế, phí,… từ các Trung ương và địa phương nên khó tạo bứt phá và vực dậy sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.

 

Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về thuế, phí để cải thiện năng lực tài chính cho DN vận tải biển Việt Nam

 

Nghiên cứu ưu đãi thị phần, miễn giảm thuế, phí

 

Từ thực trạng trên, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty XNK có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản...) thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của DN vận tải biển Việt Nam.

 

“Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, đề nghị các bộ, ngành xem xét có giải pháp để chỉ đạo chủ hàng giành khoảng 30% sản lượng với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, hợp đồng thực hiện tối thiểu là 3 năm”, văn bản nêu.

 

Bộ GTVT cũng báo cáo Chính phủ nghiên cứu, giao cho Bộ Tài chính xem xét, ưu đãi thuế thu nhập DN với mức thuế suất là 10% trong 15 năm; Miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm; Giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương của sỹ quan và thuyền viên; Miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển.

 

Liên quan đến năng lực tài chính để nâng cấp đội tàu của DN, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giải pháp cho các DN vận tải biển được vay vốn đầu tư từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế chính sách về nguồn vốn đầu tư để có khả năng đầu tư những con tàu thế hệ mới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 
Theo Báo Giao thông
MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2