Đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng mới đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đứt gãy vận hành chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa kéo dài có thể đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản do thiếu hụt nguồn cung và thị trường tiêu thụ.
Hệ lụy khó lường
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trước hết, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Thứ nữa, việc cung ứng hàng hóa bị thiếu hụt dẫn đến giá cả leo thang, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho sinh hoạt và phòng chống dịch. Một khi các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam”, ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng để tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Đây là điều kiện cần để đảm bảo sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ được liên tục.
Vì minh bạch thông tin mới có thể đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các bên tham gia chuỗi cung ứng và những rủi ro tiềm ẩn của từng bên, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro và lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Doanh nghiệp cũng cần phân tích, đánh giá rủi ro tiềm ẩn từ nhà cung cấp và bên thứ 3, đặc biệt là khi nguồn hàng dần cạn kiệt và nhu cầu tăng cao; lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ.
Phát triển các kế hoạch để duy trì bộ phận chức năng quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch, bao gồm sắp xếp nhân sự thay thế và sử dụng tự động hóa để gia tăng năng lực làm việc hiện tại của nhân viên.
Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Tăng đề kháng cho chuỗi cung ứng
Nêu quan điểm về biện pháp đảm bảo chuỗi cung ứng phát triển bền vững, lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và chuỗi cung ứng sẽ luôn cần thích ứng để đạt được hiệu suất tốt nhất có thể, hạn chế thấp nhất rủi ro.
“COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Tôi cho rằng hậu COVID-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ”, ông Hải nhấn mạnh.
Để tối ưu hóa chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung, theo ông Hải, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, minh bạch các thông tin về chính sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường và những thay đổi trong quy định kinh doanh của các nước, tăng cường công tác cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiến tới giảm thiểu thủ tục giấy tờ và các bước không cần thiết trong quá trình giải phóng hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không và khu vực kho bãi.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và trung tâm logistics nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, giảm chi phí logistics. Cải thiện kết nối nội địa đến các cảng ở phía Bắc và các cổng xuất hàng hóa ra quốc tế ở khu phía vực Nam; cùng với một kế hoạch tổng thể nhằm tái cân bằng cung - cầu tại các cảng container thuộc khu vực có mật độ hàng hóa cao.
Bên cạnh đó, mở cửa thị trường cho các hãng cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng quốc tế nhằm gia tăng tính cạnh tranh và phải tập trung thúc đẩy công ngành công nghiệp hỗ trợ.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô. Tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhận thức đúng đắn về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Từ đó tăng cường tính liên kết và minh bạch thông tin giữa các thành phần tham gia trong chuỗi nhằm thu thập thông tin, đánh giá rủi ro có thể xảy ra và lên kế hoạch ứng phó.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các địa phương chuẩn bị đưa ra kế hoạch phục hồi thì doanh nghiệp cần khẩn trương lên kịch bản, căn cứ thực tế để có kế hoạch sản xuất linh hoạt đáp ứng quy định chính quyền. Duy trì sự vận hành linh hoạt trong cung ứng thiết yếu, tiếp tục triển khai hình thức bán hàng lưu động, bán hàng combo, đưa shipper hỗ trợ đời sống người dân.
"Đặc biệt vai trò vaccine rất quan trọng nên cần ưu tiên, phổ cập tiêm chủng cho người lao động trong chuỗi cung ứng như lái xe, người làm thủ tục giao nhận, giao hàng nên ưu tiên để họ tham gia lưu thông, đảm bảo chuỗi cung ứng vẫn được vận hành trong điều kiện chống dịch", ông Hải nêu ý kiến.