Theo ông Mark Buzby, Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết đã góp phần thúc đẩy ngành thương mại hàng hải của hai nước có những bước tiến quan trọng, thời gian qua cũng đã có 750 chuyến tàu xuất phát từ Việt Nam đến khu vực cảng biển của Hoa Kỳ.
“Tuy nhiên, tại thời điểm các hiệp định thương mại ngày càng được mở rộng như hiện nay, ngành hàng hải đang phải chịu sức cạnh tranh lớn về hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở hạ tầng cũng đang giảm dần về chất lượng, đòi hỏi sự hợp tác song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ cần tăng cường hơn nữa để nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu, thiết lập ngành vận tải hàng hải an toàn”, ông Mark Buzby nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Hàng hải Hoa Kỳ, hiện ngành hàng hải Hoa Kỳ đang xây dựng bản dự thảo kế hoạch chiến lược, tập trung nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển cửa ngõ quốc tế, phân luồng trên kênh đào Panama, nâng độ sâu cho cảng biển phía bờ Đông để giảm tắc nghẽn giao thông hàng hải, phát huy hết công suất của vận tải thủy nội địa. “Trong tương lai, để kế hoạch đạt được kết quả như kỳ vọng, Hoa Kỳ rất mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác kỹ thuật từ Việt Nam”, ông Mark Buzby khẳng định.
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang bày tỏ trân trọng những giá trị mà Hiệp định vận tải biển đã mang lại cho cả hai bên và cho rằng, hiệp định không chỉ là cầu nối hợp tác về vận tải biển, cảng biển mà còn đi sâu vào hợp tác trong các lĩnh vực: tìm kiếm cứu nạn, đào tạo nguồn nhân lực, chống cướp biển, bảo vệ môi trường biển”.
Thông tin thêm, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện đang có 21 tuyến dịch vụ quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ đầu tư cho các cảng nước sâu: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, Cam Ranh để các tàu lớn có thể chạy thẳng từ các cảng biển Việt Nam đến Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp, các bên tham gia cũng đã có những tham vấn, thảo luận xung quanh các vấn đề: an toàn, an ninh tàu/cảng biển; Sở hữu cảng biển và đào tạo thuyền viên.