Theo Sở Công Thương Nghệ An, vừa qua Chính phủ đã gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá liên quan đến vận tải trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) chuỗi logistics vẫn gặp hàng loạt khó khăn khi thiếu nhân công, tài xế, chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt cước vận chuyển conterner tăng cao khiến DN khó chồng khó.
Có thể thấy, không chỉ cước vận chuyển container tăng cao mà dịch vụ logistics kèm theo hiện đang gặp khó khiến nhiều DN xuất khẩu chịu cảnh xuất khẩu nhiều nhưng càng làm lại càng lỗ.Theo một số DN xuất khẩu thì cước vận chuyển conterner đến các cảng của Mỹ đã tăng từ 1.800 USD lên 9.600 USD trên một container. Nhiều thị trường châu Âu, hay ngay như chuyến nội Á thông báo tăng giá từ ngày 1/8 với mức tăng từ 2.000 - 5.000 USD một container. Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An - cho rằng, trong lịch sử xuất khẩu và các dịch vụ logistics chưa có mức tăng nào tăng mạnh như vậy. Rõ ràng đây là một gánh nặng áp lực lên các DN, đặc biệt ảnh hưởng đến tình hình XNK chung trong thời gian qua, và thời gian sắp tới.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc công ty TNHH Đức Phong, chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu - cho biết: “Tình hình giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như hiện nay, thì công ty phải chuyển phương án “3 tại chỗ” nên sản xuất hạn chế chỉ được 1/4 công suất. Chi phí vận chuyển trên đường đều tăng cao, dẫn đến ăn thẳng vào giá thành. Làm ra hàng không có xe giao hàng, có xe giao hàng không có tài xế giao hàng. Đến khi có xe có tài xế lại gặp khó khi giao hàng, vì chờ lâu khách hàng huỷ đơn, giá tăng khiến hàng bán chậm, dẫn đến hàng hoá tồn kho ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.
Khó khăn tương tự, Công ty CP Vilaconic Nghệ An là một trong những đơn vị thu mua lương thực, nông sản xuất khẩu. Trung bình hàng năm công ty này xuất khẩu 20 nghìn tấn gạo, tinh bột sắn, hồ tiêu… đi nhiều nước trên thế giới bằng đường hàng hải, giá trị xuất khẩu đạt 7 triệu USD. Nhưng hiện nay, với chi phí cước vận tải biển tăng nhiều lần khiến doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Xuân Dũng - Trưởng phòng XNK, Công ty CP Vilaconic Nghệ An - cho biết, căng nhất là cước phí vận chuyển tăng quá cao cả nội địa, nhưng đặc biệt là xuất khẩu. Nếu như trước đây mỗi container vận chuyển đi Dubai 300 USD thì nay lên đến 3.000 USD, hoặc xuất khẩu gạo đi Chile cước tàu biển giá mỗi tàu 1.700 USD container nay tăng lên từ 8.000 - 9.000 USD mỗi container dẫn đến đội chi phí lên rất cao.
Theo đánh giá của phòng xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 850,7 triệu USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên chi phí logicstics tăng cao khi dịch bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động XNK cũng như giá trị thu về của DN và cả nền kinh tế.
Theo ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng Phòng xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An, cái khó nhất của các DN đó là cước vận tải tăng quá cao trong đó cước phí vận tải biển tăng đột biến từ 2 - 10 lần trong vòng 1 năm qua. Thực tế này khiến các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi hàng ùn ứ và chi phí sản xuất đội lên cao. Ngoài ra, thiếu hụt lượng container nên các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần, mỗi lần 10-15 ngày. Thực tế này gây nên sự chậm trễ thực hiện đơn hàng xuất khẩu và DN buộc phải hủy giao hàng, dù hàng đã được đưa ra cảng, chuẩn bị lên tàu.
Thêm vào đó, một số cảng khu vực miền Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt như cảng Cát Lái lượng container hàng nhập tồn bãi đang tăng nhanh do nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động nhưng số lượng nhân công phải nghỉ lên đến hơn 50% dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực cục bộ, mọi hoạt động của cảng đang rơi vào tình trạng khó khăn, bế tắc, gây ảnh hưởng đến việc XNK của các DN thời gian này.
"Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, làm việc tại nhà ở nhiều tỉnh thành và quá trình vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch phải test Covid đã tác động tiêu cực đến tiến độ giao nhận hàng và tiêu thụ sản phẩm của các DN trong tỉnh…", ông Tuấn nêu rõ.
Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, trong thời gian tới Sở trực tiếp làm việc với các DN, hiệp hội để giảm giá thành dịch vụ, nâng cao vị thế chủ hàng gỡ khó cho cả chuỗi logistics. Trước mắt, ngành Công Thương đã đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lái xe, người lao động và vận tải logistics để không đứt gãy chuỗi sản xuất.