Ngành vận tải biển 'duy trì' lỗ khủng, cổ phiếu tụt dốc

Những năm trở lại đây, ngành vận tải biển gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, các công ty vận tải cũng báo lỗ triền miên, một số công ty còn bị cho vào danh sách “lưu ý” có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn CK.

Nguồn cung tàu dư thừa kéo theo sự cạnh tranh gay gắt về giá đã khiến các công ty trong ngành vận tải biển tiếp tục chìm trong thua lỗ do doanh thu không bù đắp nổi chi phí. Số lượng tàu tham gia chở hàng nội địa tăng nhiều nên đã dẫn đến tình trạng ùn ứ, chờ đợi tại cảng xếp, dỡ hàng làm giảm hiệu quả kinh doanh đội tàu

Mới đây, CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2017 với con số lỗ tiếp tục duy trì hơn 60 tỷ đồng, kéo theo 6 tháng âm 159 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thuần quý 2 của VST đạt 103 tỷ đồng, giảm gần 17% so cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn chiếm gần 128 tỷ đồng, khiến VST tiếp tục lỗ gộp gần 25 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 40 tỷ đồng). Thêm vào đó, hoạt động tài chính âm hơn 29 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này giảm mạnh 38%, còn 4.66 tỷ đồng.

Theo đó, sau khi trừ các loại chi phí khác, VST lỗ ròng hơn 60 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng nâng mức lỗ lên gần 159 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 80 tỷ đồng). Nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tới 1,231 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 626 tỷ đồng.

Được biết, năm 2017, VST đặt kế hoạch doanh thu 646 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 324.8 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, VST đã thực hiện được gần 49% kế hoạch lỗ. 

Nhiều hãng tàu khác cũng cùng chung số phận thua lỗ triền miên với mức lỗ lũy kế đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Công ty CP vận tải biển Việt Nam (VOS) lỗ ròng 359 tỷ đồng trong năm 2016 khiến cho lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2016 tăng lên mức 900 tỷ đồng. Tổng tài sản của VOS đạt 4.239 tỷ đồng, nợ phải trả 3.610 tỷ đồng (nợ dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng hơn 80% ở mức 2.899 tỷ đồng), trong khi đó con số giá trị vốn chủ sỡ hữu công ty chỉ vỏn vẹn 1.400 tỷ đồng. Công ty CP vận tải Biển Bắc (NOS) cũng lỗ 335 tỷ đồng trong năm 2016, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2016 lên 3.410 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 3.151 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty cũng lên tới 4.841 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải biển trên thị trường chứng khoán Việt Nam hầu hết đều ở dưới mệnh giá, trong khi đó, cổ phiếu NOS của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc có thể coi là thấp "kỷ lục": 500 đồng chốt phiên ngày 25/7.

Trước đó, đầu tháng 4/2016, cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) bị HNX buộc tạm ngừng giao dịch. Không lâu sau, “ông lớn một thời” của ngành vận tải biển này quyết định tạm dừng hoạt động do không thể khắc phục được gánh nặng tài chính.

Dự báo trong năm 2017, Tổ chức Moody vẫn giữ triển vọng tiêu cực đối với ngành vận tải biển toàn cầu chủ yếu là do sự dư thừa nguồn cung liên tục của tàu. Theo đó, các công ty vận tải biển container sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thừa cung và lợi nhuận có thể được đặt dưới áp lực nhiều hơn nếu giá nhiên liệu tăng.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2