Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào GDP cả nước, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên, để dịch vụ logistics của quốc gia phát triển mạnh cần có một hệ thống phát triển hoàn chỉnh, trong đó các công ty logistics nội địa đóng vai trò trung tâm.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Tân Cảng Cái Cui
Thị trường còn bỏ ngỏ
Trong xu thế hội nhập và canh tranh gay gắt, việc cắt giảm chi phí nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết đối với hầu hết các doanh nghiệp.
Đặc biệt, hoạt động logistics ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Ở Việt Nam, chi phí sử dụng dịch vụ logistics hiện chiếm khoảng 20% GDP, trong khi mức độ đóng góp giá trị kinh tế của ngành chỉ chiếm khoảng 2-3% GDP.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%.
Tuy nhiên, lĩnh vực này dường như vẫn còn bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không, các dịch vụ gom hàng, khai thác kho bãi đến việc xây dựng các chuỗi cung ứng…
Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động; trong đó, 80% là các doanh nghiệp logistics nội địa nhưng chỉ chiếm 20% thị phần logistics tại Việt Nam, 80% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều tập đoàn logistics hùng mạnh trên thế giới đã và đang từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nước ta như Tập đoàn APL, OOCL, Mitsui OSK Line, Maerks Logistics, NYK Logistics…
Các hãng này không chỉ cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ từ vận tải quốc tế đến vận tải nội địa mà còn có mạng lưới quốc tế rộng, tài chính mạnh và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ trong chuỗi các hoạt động nói trên, hoặc chỉ là nhà thầu phụ cho các nhà đầu tư logistics nước ngoài.
Việc thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển bền vững của doanh nghiệp logistics nội địa.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, thị trường logistics Việt Nam ngày càng thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia với sự cạnh tranh sôi động.
Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và rút lui khỏi thị trường cũng không phải là ít vì sự phát triển phần lớn mang tính tự phát, thiếu định hướng, thiếu vốn, không đủ năng lực để cạnh tranh lâu dài.
Hơn nữa, dịch vụ của các đơn vị này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao. Hiện nay chỉ có một vài công ty logistics lớn của Việt Nam có chuỗi dịch vụ khép kín như: Vinatrans, Vinalinks, Sotrans… chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu làm các dịch vụ cung ứng đơn lẻ trong lãnh thổ việt Nam như: dịch vụ giao nhận, dịch vụ đóng gói, cho thuê kho bãi, dịch vụ hải quan…
Trong khi đó, các dịch vụ tích hợp, mang tính liên vận quốc tế đều do các công ty logistics nước ngoài đảm trách.
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động kém hiệu quả và ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ này.
Theo TS. Nhan Cẩm Trí, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, từ việc chiếm giữ thị phần nhỏ, các doanh nghiệp logistics Việt Nam quay sang cạnh tranh nhau một cách khốc liệt với mức cước cạnh tranh "hủy diệt".
Thay vì phân công lao động theo sự chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp logistics thì các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm và làm tất cả các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics.
Vì vậy, các dịch vụ cung cấp thường thiếu tính chuyên môn hóa cao dẫn đến chất lượng thấp, bị khách hàng từ chối sử dụng.
Trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các công ty đa quốc gia, trong khi vai trò của các hiệp hội vẫn còn mờ nhạt thì các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn đang thiếu sự chỉ đạo thống nhất.
Ngoài ra, vấn đề nan giải hiện nay là thực trạng thiếu đội ngũ nhân viên logistics chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản từ các trường lớp chính quy.
Đa phần các công ty logistics đảm nhiệm luôn vai trò đào tạo lại nguồn nhân lực thông qua thực tiễn công việc.
Nâng cao năng lực
Cũng theo TS. Nhan Cẩm Trí, bên cạnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tập đoàn logistics đa quốc gia đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các công ty logistics Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Đó là hoạt động logistics luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu mà tiềm năng về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là rất lớn.
Ngoài ra, triển vọng phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cũng là cơ hội lớn cho dịch vụ logistics phát triển…
Mục tiêu đến năm 2025, logistics sẽ trở thành ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong thời gian tới.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Tân Cảng Cái Cui
Trong đó, có các giải pháp cụ thể như tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng như phát triển thị trường dịch vụ logistics…
Để thúc đẩy sự phát triển và khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên sân nhà, theo Ths. Nguyễn Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần liên kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác lại để có thể đưa ra thị trường một chuỗi các dịch vụ logistics tổng thể cho khách hàng.
Theo đó, một công ty giao nhận có thể liên kết với một công ty về kho bãi, vận tải, môi giới, hàng không để tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ.
Các đơn vị trong ngành có thể xem xét khả năng sáp nhập và thành lập các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics theo nhóm 3-4 đơn vị để có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty đa quốc gia.
Về phía Hiệp hội Logistics cần nâng cao hơn nữa vai trò tư vấn, hỗ trợ các hội viên trong công tác hướng dẫn, bồi dường thường xuyên cán bộ, đồng thời có tiếng nói với Chính phủ, các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cũng như xây dựng cơ sở vật chất cho ngành logistics Việt Nam.
Theo bnews.vn