Chi phí đầu tư logistics còn ở mức cao
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2018, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 185 nước trên thế giới và mang về giá trị 42,5 tỷ USD. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng tạo ra việc làm cho khoảng 70% dân số; đóng góp khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất nhập khẩu. Trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản đạt 789.000 tỷ đồng, tăng 3,86% so với năm 2017.
Với số liệu trên có thể thấy, nông nghiệp hiện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, một trong những hạn chế đối với ngành nông nghiệp Việt chính là sự phát triển ngành dịch vụ logistics chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của ngành nông nghiệp. Một trong những yếu tố hạn chế được nhắc đến đó chính là hệ thống kho bãi, hàng nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô, hay những hạn chế về kinh nghiệm, đặc tính nông sản của các doanh nghiệp trong ngành logistisc…
Bên cạnh những hạn chế trên, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những vấn đề khiến ngành dịch vụ logistisc chưa phát triển song hành với ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam đó chính là chi phí logistisc. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20-25%, khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10-15%). Trong khi đó, việc kết nối hạ tầng logistics tại Việt Nam còn nhiều bất cập, chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu…
Cũng theo ông Toản, hiện dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều nơi như đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa nông sản, thủy sản lớn...thì dịch vụ này lại chậm phát triển. Kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới hạn chế, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam. Các trung tâm logistics phân bố manh mún và đầu tư tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối.
Đề cập đến những hạn chế của ngành logistisc Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, một trong những nguyên nhân lớn là do khâu dịch vụ logistics còn bất cập như hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến sơ chế nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ, chuỗi lạnh còn chưa phổ biến, nhiều doanh nghiệp logistics chưa quan tâm đến lĩnh vực nông sản.
Bên cạnh đó, do đặc điểm của nông sản nên dịch vụ logistics cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, đầu tư hạ tầng kho, bãi tốn kém hơn nhiều loại hàng hoá khác. Đặc biệt là phần lớn đội ngũ nhân lực logistics thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về đặc tính nông sản nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi lạnh là chi phí, không phải là giá trị gia tăng. Chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân mảnh làm nông sản Việt bị giảm giá trị và không thể vươn xa...
Cần giải pháp cụ thể nâng tầm logistisc trong nông nghiệp
Trước những hạn chế mà ngành logistisc Việt Nam đang vướng mắc, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, logistics là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, Việt Nam tham gia thị trường logistics chậm hơn so với nhiều nước do đó phải triển khai nhanh việc đơn giản hoá thủ tục thông quan hàng hoá; Xây dựng các trung tâm mang tính cạnh tranh cao hơn; Tăng cường sự cộng tác với khu vực tư nhân nhiều hơn...
Để phát triển ngành logistisc, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần lưu ý thực hiện 6 ý tưởng là: Cải thiện chất lượng sản phẩm, nên hỗ trợ quy mô canh tác lớn hơn để giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng; Kết nối bên cung ứng bên sản xuất, thị trường; Tạo các điều kiện thông qua các Hiệp định thương mại tự do để đưa sản phẩm nông sản ra thị trường quốc tế; Cần phải xem xét các kinh nghiệm để lồng ghép câu chuyện về hạ tầng cho xuất khẩu nông sản; Đơn giản hoá các thủ tục thông qua, thông thoáng cho thủ tục thanh toán và chi trả; Xem xét để thiết lập cơ chế phối kết hợp về mặt chính sách như hỗ trợ thương mại, đối thoại công tư để đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp.
Có thể thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics phát triển. Vì thế, để từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách về logistics, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế…
Bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logictics, theo các chuyên gia kinh tế để ngành logistisc phát triển còn cần giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, vừa mang tính tổng thể vừa có chiều sâu, nhất là những diễn biến kinh tế - chính trị mới gần đây và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; chỉ ra những nguyên nhân, dự báo chiều hướng phát triển, phân tích tác động tới khu vực cũng như nước ta, từ đó đề xuất với Chính phủ những chủ trương, quyết sách thích hợp, nhằm tận dụng những cơ hội, ứng phó với những khó khăn, thách thức mới.
Chúng ta tin tưởng rằng, từ những định hướng của Chính phủ, về giai đoạn phát triển 2020 - 2025 của ngành logistic, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, thì chắc chắn mục tiêu phát triển đề ra trong 5 năm tới có thể thực hiện được. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của bà con nông dân. Phát triển mạnh mẽ ngành logistic sẽ góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn 5 năm tới và những năm tiếp theo.
Nguồn: http://laodongthudo.vn/