Sau thời kỳ khó khăn kéo dài, cùng với những bê bối liên quan đến các tổng công ty, tập đoàn lớn trong ngành, năm 2017, đã có những tín hiệu sáng đối với các doanh nghiệp ngành cảng biển và logistics Việt Nam. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được đánh giá tích cực.
Triển vọng ngành tích cực hơn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng lượng tàu thông quan đạt 22 nghìn lượt, tăng 67%, khối lượng hàng hoá đạt 18,5 triệu tấn, tăng 56% so với năm 2016. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 130,9 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2016. Diễn biến tích cực này có được nhờ nền kinh tế tăng trưởng mạnh, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu có bước tiến tích cực, thúc đẩy nhu cầu đối với doanh nghiệp cảng biển và logistics.
Hãng tư vấn toàn cầu Drewy dự báo, đến năm 2020, khu vực Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng bình quân là 6,2%/năm, cao hơn mức 2 - 3%/năm của thế giới, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 9,2%/năm.
Hiện tại, Việt Nam có 49 cảng biển, bao gồm 17 cảng loại I, 23 cảng loại II và 9 cảng loại III (cảng dầu khí ngoài khơi). Trong đó, khu vực sôi động nhất cho hoạt động khai thác cảng biển tập trung ở Hải Phòng (miền Bắc) và Bà Rịa Vũng Tàu (miền Nam). Trên sàn chứng khoán, có khoảng hơn 13 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này với một số cái tên đáng chú ý như GMD, VSC, HAH, SFI, TCL, PDN…
Bối cảnh kinh doanh phân hóa
Mặc dù triển vọng ngành tích cực, nhưng không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng đều tăng giá.
Theo đó, trong khi các mã GMD, VIP, CLL… giữ xu hướng leo dốc từ đầu năm 2017 tới nay thì tại một số doanh nghiệp, cổ phiếu chỉ đi ngang như Công ty cổ phần (CTCP) Đại lý giao nhận Vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP). Thậm chí, một số cổ phiếu còn giảm giá như CTCP Container Việt Nam (VSC), CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH)…
Trong số các mã giảm giá, HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An là cái tên đáng chú ý, khi Công ty sở hữu quyền khai thác cảng Hải An với công suất thiết kế 250.000 TEUs, là cảng ở khu vực thượng nguồn. Tuy nhiên, việc cầu Bạch Đằng nối quận Hải An (Hải Phòng) với xã Quảng Yên (Quảng Ninh) được đưa vào sử dụng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận tải biển của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh này, Ban lãnh đạo HAH đã chuyển hướng sang tập trung cho hoạt động khai thác cảng biển, logistics, thay vì giữ cơ cấu cân bằng giữa vận tải biển và hoạt động khai thác dịch vụ như trước đó. Động thái này của Công ty được giới phân tích đánh giá là phù hợp với diễn biến mới, dù vậy, giá cổ phiếu HAH vẫn phải chấp nhận đà đi xuống với mức giảm hơn 16% so với thời điểm đầu năm 2017, hiện giao dịch ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, CTCP Container Việt Nam (VSC) cũng đang phải đối mặt với những khó khăn không dễ giải quyết. VSC là thương hiệu lâu đời, hiện đang khai thác 2 cảng Green Port và VIP Green Port với tổng công suất thiết kế 850.000 TEUs.
Trong đó, cảng VIP Green nằm ở phía trong lòng sông nên hoạt động bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc cầu Bạch Đằng dự kiến đi vào khai thác từ quý II/2018. Điều này dẫn đến khả năng cảng phải chuyển đổi công năng hoặc tập trung kinh doanh kho bãi, phục vụ tàu nội địa.
Mặt khác, việc cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đi vào hoạt động từ năm 2018 có thể khiến hoạt động vận tải và khai thác cảng biển tại khu vực miền Bắc ngày càng cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là về giá dịch vụ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải biển khu vực phía Nam lại có môi trường kinh doanh “dễ thở” hơn so với khu vực miền Bắc. Đây là yếu tố giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp cảng biển tại đây có diễn biến tích cực kể từ đầu năm 2017.
Cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept là cái tên nổi bật nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư thời gian gần đây. Trong năm 2017, giá cổ phiếu GMD đã tăng hơn 60%. Năm 2018, cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động dự kiến sẽ đóng góp doanh thu đáng kể cho GMD, đồng thời Công ty sẽ tăng công suất cảng Nam Hải Đình Vũ lên tối đa. Đây là cảng có công suất thiết kế lớn thứ 3 trong hơn 13 cảng tại khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, việc tái khởi động lại cảng Gemalink, tận dụng bối cảnh xuất khẩu thủy sản thuận lợi và tăng trưởng là một điểm cộng cho GMD trong mắt nhà đầu tư.
Một cổ phiếu có triển vọng tích cực khác là PDN của CTCP Cảng Đồng Nai khi đã tăng một mạch từ 54.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2017 lên 86.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên 8/1/2018, tương ứng mức tăng gần 60%. Tuy nhiên, việc cơ cấu cổ đông cô đặc, Nhà nước nắm giữ chủ yếu khiến thanh khoản hạn chế là nguyên nhân chưa nhiều nhà đầu tư mặn mà với triển vọng giá cổ phiếu này trong thời gian tới.
Nhìn nhận về mặt bằng giá cổ phiếu ngành cảng biển với P/E bình quân ngành khoảng 12 lần, chuyên viên phân tích ngành của một công ty chứng khoán Top 10 cho rằng, giá cổ phiếu đang phản ánh thực tại của doanh nghiệp và chưa thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư. Để kỳ vọng này phản ánh vào giá cần những chuyển biến và hiệu quả rõ ràng từ mỗi doanh nghiệp, nhằm chứng tỏ khả năng bật lên.