Việt Nam hiện có khoảng 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa; trong đó, khoảng 1.300 DN hoạt động tích cực, tuy nhiên, đa số là DN vừa và nhỏ, chỉ 1% là DN lớn. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp. Theo khảo sát của Vietnam Report năm 2018, trước xu hướng số hóa, các DN logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nguồn lực của DN; giám sát, tăng cường khả năng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ và gia tăng sự trung thành của khách hàng.
PGS-TS. Ngô Phúc Hạnh - Học viện Chính sách và Phát triển - chia sẻ, với sự phát triển bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đã có nhiều ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động logistics. Hiện, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-logistics, green logistics..., đặc biệt là AI hay robot vào thực hiện một số dịch vụ. "AI đang thay đổi toàn bộ cách làm truyền thống trước đây của ngành logistics. AI đã và đang cho thấy những rủi ro và nhiều vấn đề phức tạp khác mà các chuyên gia logistics và quản lý chuỗi cung ứng chưa từng thấy hoặc cảnh báo cũng như phải đối mặt. Việc này cũng cảnh báo cho các DN logistics phải tham gia đổi mới sáng tạo, thích nghi và thay đổi không ngừng nếu không muốn bị loại ra khỏi thị trường của chính họ" - PGS-TS. Ngô Phúc Hạnh nhấn mạnh.
Từ năm 2014, công nghệ AI đã được đưa vào danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 đã xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần tổ chức triển khai nghiên cứu, nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển AI. Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2018 đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tác động và xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Trong quá trình xây dựng chiến lược, công nghệ AI sẽ tiếp tục được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để hình thành những chiến lược, lộ trình, giải pháp cụ thể phát triển và ứng dụng AI phù hợp nhất với thực tế và tiềm năng của Việt Nam.
Nhằm đẩy mạnh việc áp dụng AI cho dịch vụ logistics tại Việt Nam, giúp ngành logistics giữ đà phát triển, góp phần làm giảm chi phí dịch vụ logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, theo các chuyên gia, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ cả về chính sách và nguồn lực để nghiên cứu phát triển các phần mềm, hệ thống thông tin phục vụ lĩnh vực logistics. Đồng thời, các công ty logistics cần hợp tác với công ty công nghệ để áp dụng AI cũng như giải pháp mới như kinh tế chia sẻ, E-logistics, vạn vật kết nối (IoT), xử lý dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây…
Nguồn: congthuong.vn