Ngành dịch vụ logistics giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội của đất nước. Việc phát triển ngành dịch vụ logistics đạt trình độ quốc tế sẽ góp phần trực tiếp vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - trong đó xuất khẩu tiếp tục là mũi nhọn tăng trưởng đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập cao vào năm 2045. Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2045 đạt khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.
Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh đi đôi với đổi mới sáng tạo của mỗi doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc thực hiện “Khát vọng 2045”.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải xây dựng những doanh nghiệp logistics lớn mạnh, có thương hiệu quốc tế, có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, có ứng dụng khoa học công nghệ theo kịp sự phát triển của ngành dịch vụ logistics tiên tiến trên thế giới và nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện những hoạt động logistics toàn cầu.
Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp có trình độ cung cấp dịch vụ quốc tế. Hiện nay, trên 80% Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có số ít doanh nghiệp là 3PL vững mạnh. Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng phát triển các doanh nghiệp là 3PL, 4PL và tiến tới 5PL nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói mang tính quốc tế cao.
Các doanh nghiệp thực hiện việc ứng dụng nền tảng số cho các hoạt động logistics, trong đó nổi bật dựa trên công nghệ Blockchain, AI, Cargowise… kết nối với mạng đại lý toàn cầu.
Các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp, năng động sáng tạo, có trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics cao, trình độ nghiệp vụ chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ và trình độ hiểu biết pháp lý logistics trong nước và quốc tế phù hợp với công việc được giao.
Phấn đấu đưa ngành dịch vụ logistics được xếp vào hàng đầu thế giới về Chỉ số hoạt động logistics LPI của Ngân hàng thế giới. Mục tiêu, vào năm 2045, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore trong khu vực ASEAN. Đóng góp vào GDP của nước ta từ 8% - 10%. Tốc độ phát triển từ 14% - 15%/năm. Chi phí logistics đứng trong hàng các nước công nghiệp phát triển, tương đương khoảng từ 8% - 10% GDP. Phát triển logistics xanh thân thiện với môi trường.
Phát triển mạnh mẽ logistics nông nghiệp (Agro-logistics), gắn logistics với các hoạt động của sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu nông sản, hải sản, đặc biệt là kết nối hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu và tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7709/VPCP-CN, ngày 15/9/2020 yêu cầu “phải có một hãng hàng không Cargo Airlines với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”, và các Hội viên chủ chốt của VLA đã liên kết cũng nhau thành lập Công ty ACG chuyên khai thác các đường bay chuyên chở hàng hóa đến các nước trong khu vực.
Phát huy vai trò chủ động hỗ trợ doanh nghiệp của VLA trong việc mở rộng thị trường hoạt động logistics nội địa và quốc tế, trong sự hợp tác hoạt động chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng. Triển khai việc thành lập các hiệp hội logistics tại các tỉnh, thành trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trong cả nước.
Vai trò của Nhà nước
Để thực hiện “Khát vọng 2045” của doanh nghiệp logistics, vai trò dẫn dắt và hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện thể chế, tạo ra một khung khổ pháp lý điều chỉnh logistics minh bạch, được áp dụng nhất quán từ Trung ương đến địa phương của mọi cơ quan hành chính và nhân viên thi hành công vụ liêm chính. Xây dựng và triển khai có hiệu quả “Chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045”. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã có chiến lược phát triển, trong khi Việt Nam chỉ mới dừng ở Chương trình hành động.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (công nghệ thông tin). Trước hết là phát triển đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với các cảng biển, nhất là các cảng biển nước sâu. Xây dựng đường sắt chuyên chở hàng hóa tốc độ cao Bắc - Nam và kết nối với các nước Đông Âu, đường sắt nối các cảng biển chính nhằm thúc đẩy việc giải phóng và chuyên chở hàng hóa. Tiếp tục phát triển các cảng biển đang quá tải hàng hóa, đặc biêt là cảng nước sâu phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu đi thị trường xa và thị trường nội Á. Hiện nay, trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta được chuyển chở bằng đường biển. Đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để hỗ trợ cho đường bộ và phát triển vận tải đa phương thức một cách hiệu quả. Xây dựng đội tàu bay chuyên dụng chuyên chở hàng hóa, hiện nay chúng ta chưa có.
Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, phát triển các trung tâm logistics. Phát triển các trung tâm logistics ở các địa bàn quan trọng gần các trung tâm sản xuất và cảng biển, chú trọng các trung tâm logistics hàng không nối dài ngoài sân bay phục vụ hàng hóa đặc biệt, nhất là hàng nông sản xuất nhập khẩu. Xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm logistics của khu vực và thế giới vào năm 2045 có năng lực cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tin tưởng với quyết tâm và nỗ lực đóng góp sức mình, vươn lên cùng cả dân tộc, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045”.