Logistics Việt Nam bàn giải pháp tăng cường kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 15-12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự phát triển logistics vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong ngành logistics cần sớm khắc phục.

Đó là, công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 công bố tại Diễn đàn cho thấy, số lượng doanh nghiệp logistics tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, từ 700 doanh nghiệp năm 2005 tăng lên hơn 1.200 doanh nghiệp năm 2012, tốc độ phát triển dịch vụ từ 16-20%/năm. Hiện nay, nước ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài; khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cũng cho rằng, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Hoạt động Logistics đã giảm từ 48 năm 2014 xuống thứ 64/160 quốc gia năm 2016, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái-lan và Malaysia).

Chi phí logistics ở Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20% GDP (trong khi các nước phát triển chỉ từ 9-14%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP.

Ông Ousmane Dione khuyến nghị: “Việt Nam cần chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, bên cạnh các biện pháp tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, từ đó bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo đó, Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế phức tạp hơn”.

Cụ thể, Việt Nam cần vượt qua một số trở ngại lớn về thể chế, chính sách nhằm cải thiện hoạt động logistics thông qua việc giảm chi phí, nâng cao độ ổn định, và Việt Nam cần có những giải pháp tập trung vào bốn nội dung chính sau:

Một là, tăng cường tạo thuận lợi thương mại bằng cách đơn giản hóa thủ tục hải quan và quy định về quản lý chuyên ngành;

Hai là, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối;

Ba là, xây dựng lĩnh vực dịch vụ logistics cạnh tranh;

Bốn là, tăng cường phối hợp hoạt động đa ngành và hợp tác với tư nhân. Cả khu vực tư và công đều cần đóng góp cho việc cải thiện hoạt động của ngành logistics. Ngân hàng Thế giới đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bên liên quan trong một số các hoạt động về những nội dung này.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 phân tích sâu về các lợi thế nội tại và diễn biến của thị trường quốc tế, qua đó cho thấy ngành logistics Việt Nam có tiềm năng lớn để tăng trưởng và hội nhập sâu rộng vào lĩnh vực logistics toàn cầu. Báo cáo kiến nghị trong năm 2018 cần tập trung hơn vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực logistics, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng logistics quan trọng. Cơ quan quản lý, các hiệp hội và doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc lồng ghép nhiệm vụ hội nhập và hợp tác trong khu vực vào quá trình mở cửa thị trường, mở rộng mạng lưới đào tạo về logistics, tăng cường tuyên truyền, thông tin, hoàn thiện khung thể chế và cơ chế quản lý nhà nước để phát triển ngành logistics.

nhandan.com.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2