Logistics Việt: Khó "nâng hạng" vì nhiều rào cản

Nhiều điều kiện kinh doanh đang trói buộc doanh nghiệp logistics phát triển...

Theo Luật Đầu tư 2014, kinh doanh dịch vụ logistics được xếp vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo ra khung khổ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp phát triển, không đúng với tinh thần của Quyết định 200 mà Chính phủ ban hành.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam đã chia sẻ với Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy về vấn đề này.

Thưa ông, đã có nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ logistics đang là những rào cản khiến chi phí logistics không có sự cải thiện theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ như thế nào?

Mục tiêu của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong việc thực hiện Quyết định 200 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 vừa được ban hành ngày 14/2/2017 là giảm chi phí logistics, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, việc ngành dịch vụ logistics tìm cách giảm chi phí thì gặp phải các rào cản. Xin nêu một vài ví dụ như sau. Hải Phòng thu phí kết cấu hạ tầng cửa khẩu cảng biển quá cao từ tháng 1/2017 làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dịch vụ logistics.

Hay như ngày 6/8/2014, Bộ Tài chính có ban hành Thông tư số 103/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/10/2014 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam (gọi tắt là “thuế nhà thầu”) với mức thu 1%.

Từ ngày Thông tư số 103/2014/TT-BTC có hiệu lực đã dẫn tới số lượng hàng hóa gửi tại kho ngoại quan phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu giảm tới khoảng 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của ngành logistics và các ngành xuất khẩu mũi nhọn khác như dệt may, da giầy và nhựa.

Hay như việc các nhà cung cấp dịch vụ vận tải phải trả phí đường bộ và phí ngoài luồng quá cao cũng làm gia tăng chi phí logistics một cách đáng kể, vì chi phí vận tải hiện nay của Việt Nam chiếm khoảng 60% chi phí logistics...

Thưa ông, với việc 75% thị phần dịch vụ logistics nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, nhiều người cho rằng sẽ rất khó khăn trong việc cải thiện thứ hạng của ngành kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam?

Con số 75% thị phần dịch vụ logistics nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài là chưa có cơ sở thực tế và chưa có số liệu kiểm chứng. Hiện nay, phần logistics nội địa, bao gồm dịch vụ vận tải bộ (trucking), vận tải nội địa khác, kho bãi, cảng biển, đại lý hải quan... chủ yếu là do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Việt Nam thực hiện.

Nhiều công ty đã thực hiện các dịch vụ logistics tích hợp (3PL)... đã cung cấp dịch vụ ngang ngửa với các công ty xuyên quốc gia đang cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam.

Vấn đề ở chỗ là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia nước ngoài ở Việt Nam hơn các công ty của chúng ta ở trình độ quản lý, năng lực tài chính, trình độ áp dụng ICT và năng lực nhân viên, đặc biệt là họ có thị trường có sự liên kết giữa các chủ hàng và hãng tàu.

Đó là khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Điều này đòi hỏi các công ty Việt Nam phải phấn đấu vươn lên qua hợp tác với nhau và hợp tác với nước ngoài nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics để thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định 200 đã đề ra.

Để phát triển dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo ông, Việt Nam nên làm những gì?

Chúng ta cần thực hiện có kết quả Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ, vì đó là chương trình hành động logistics quốc gia, thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay.

60 nhiệm vụ cụ thể của Quyết định 200 tập trung vào 4 yếu tố của hệ thống dịch vụ logistics Việt Nam. Đó là chính sách, luật lệ điều chỉnh ngành dịch vụ logistics.

Tiếp đến là kết cấu hạ tầng logistics (cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong đó có ICT và nguồn nhân lực chất lượng cao); các nhà sử dụng dịch vụ logistics (nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu và nhà phân phối); và các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Hiện nay, việc cải thiện và nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước đối với ngành dịch vụ logistics và cải thiện kết cấu hạ tầng logistics của nước ta đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Theo Đặng Hương
Vneconomy

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2