Tại buổi ra mắt Hệ thống booking logistics trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Điều hành CTCP iFreight cho biết, việc áp dụng công nghệ mới, những thành tựu khoa học trong thời đại 4.0 sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tối ưu các hoạt động logistics, phá vỡ các rào cản và quy tắc truyền thống.
Một số DN xuất nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may cho biết, từ trước đến nay các DN phải tốn rất nhiều thời gian, chi phí cho hoạt động vận chuyển và hậu cần. Ví dụ, khi làm một đơn hàng, người giao nhận luôn cần các thông tin chi tiết như loại hàng, lượng hàng, thời gian vận chuyển, báo giá cụ thể...
Để làm được điều này, cần phải có sự tương tác và phối hợp giữa các bên nhưng do không có chuẩn mực chung về hệ thống cũng như cách thức quản lý, dẫn đến nhiều khoảng trống về thời gian, việc xử lý các sai sót kéo dài. Theo thống kê, có đến 80% công ty, dịch vụ vận chuyển, giao nhận không tự động xác nhận yêu cầu báo giá và tự động các thao tác khác.
Rõ ràng, vấn đề lớn nhất của thị trường logistics là các DN Việt không kiểm soát được đường đi của những đơn hàng trị giá có thể lên tới hàng tỷ đồng của DN mình. Việc này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến uy tín của DN và đối tác. Thực tế, đã có không ít những vụ thất thoát lên tới hàng triệu USD khiến DN có thể phá sản.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là hậu quả đối với từng DN riêng lẻ, nhìn rộng hơn ra nền kinh tế đất nước, sẽ thấy thiệt hại rất nặng nề. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam hàng năm lên đến 37 - 40 tỷ USD, thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới, chiếm đến 21- 25% GDP, trong khi mức bình quân của thế giới chỉ khoảng 13% GDP, riêng các nước phát triển như Hoa Kỳ thì chi phí logistics chiếm chưa đến 10% GDP.
Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực từ 6% đến 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần... Chi phí này chiếm phần lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử với ngành thủy sản, chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.
Hậu quả tất yếu là năng lực cạnh tranh của các DN xuất nhập khẩu Việt Nam trên trường quốc tế bị suy giảm. Bởi trong thời đại toàn cầu hóa, khi các DN Việt Nam phải cạnh tranh sòng phẳng với các DN nhiều tiềm lực ở các nước phát triển, với chi phí logistics rất thấp thì rõ ràng là cuộc đấu không cân sức.
Bàn về vấn đề này ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng xác nhận thực tế này. Nguyên nhân của chi phí cao là do chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam chưa tốt. Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chưa được đầu tư tương xứng, dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.
Ông Quang phân tích, việc phải qua khá nhiều khâu trung gian khiến giá cả dịch vụ logistics cộng dồn lên cao, gây lãng phí tiền bạc cho DN. Bên cạnh đó, có nhiều quy trình rườm rà gây lãng phí thời gian cho DN. Theo báo cáo của Armstrong & Associate 2017, tỷ lệ chênh lệch giữa giá thấp nhất với giá cao nhất của một báo giá vận chuyển quốc tế là 41%, ước tính con số chênh lệch có thể lên đến 700 USD cho một báo giá.
Bên cạnh đó, các công ty tiếp vận chưa ý thức được vai trò của logistics trong toàn bộ chuỗi cung ứng; Nhiều DN vẫn chưa có riêng bộ phận quản trị logistics mà thường được kết hợp vào các phòng ban hành chính khác khiến việc quản lý chi phí rời rạc, chưa liên kết chặt chẽ.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện giải pháp logistics online tại thị trường Việt Nam vẫn chưa phát triển và chưa có DN tiên phong với chuyên môn và nghiệp vụ bài bản về lĩnh vực này. Với sự phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghệ của ngành logistics trên thế giới, các DN Việt Nam đang chậm chân trong việc cải tiến theo hướng công nghệ.
Cùng với sự thua kém về hạ tầng và thủ tục trong ngành logistics, DN trong nước đang gặp phải những thách thức trong cuộc chơi toàn cầu. Nếu các DN Việt Nam không nhanh nhạy thay đổi, áp dụng công nghệ để tối ưu khâu logistics, việc ngày càng bị hụt hơi về năng lực cạnh tranh và bị thu hẹp thị phần là viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.
Theo TBNH