Thay đổi tư duy quản lý logistics trong cách mạng công nghiệp 4.0
Với sự phát triển nhanh của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa hay giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất, xuất khẩu đã chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm chi phí của quá trình lưu chuyển hàng hóa trong hệ thống quản lý phân phối. Logistics vì thế đã trở thành thành tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối của nền kinh tế, đặc biệt trong giao thương quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Là con số cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và cộng đồng kinh tế lớn.
Nguồn: tienphong.vn