Cơ hội lớn
Nhận định nhu cầu kho bãi sẽ tăng cao sau “bước ngoặt” EVFTA, chủ đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Long Hậu, cho biết phát triển dự án khu công nghiệp (KCN) Long Hậu 3 - giai đoạn 1 (tỉnh Long An), công ty dành một diện tích lớn để xây dựng khu logistics nhằm đón đầu cơ hội.
Tại sự kiện Partner Day 2020 - Gặp gỡ đối tác chiến lược vào tuần vừa qua, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh của Công ty cổ phần Long Hậu (LHC), cho biết tại các KCN Long Hậu có nhiều doanh nghiệp xây kho chứa và đều hoạt động rất tốt.
Và theo ông Hiếu, thời gian qua Long Hậu nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư với nhu cầu xây dựng kho lạnh, kho hàng... Do vậy, với EVFTA ông Hiếu nhận định sắp tới đây có khả năng nguồn cung kho bãi có thể sẽ bị khan hiếm trong tương lai.
Không riêng LHC mà nhiều doanh nghiệp phát triển hạ tầng các khu công nghiệp khác ở TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc các tỉnh thành khu vực phía Bắc, trong thời gian qua cũng tăng cường phát triển hạ tầng logistics nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao khi đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sản xuất - kinh doanh, nhất là EVFTA sắp có hiệu lực.
Thật vậy, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EVFTA thực thi có cơ hội gia tăng quy mô thị trường xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu lớn đối với hoạt động logistics.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cũng nhận định thỏa thuận EVFTA sẽ cho phép Việt Nam đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng châu Âu với quy mô hàng trăm triệu dân. EVFTA đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh của Việt Nam.
Còn theo ông Tobias Gruemmer, Giám đốc Vận hành khu vực của A.P. Moller-Maersk, so với dân số liên minh châu Âu khoảng 500 triệu người, thì khu vực Đông Nam Á với dân số hơn 600 triệu, trong đó Việt Nam là gần 100 triệu người được đánh giá là thị trường tiêu thụ sản phẩm tiềm năng.
Trước đây, Việt Nam tập trung vào xuất khẩu, song nay đã đẩy mạnh hơn vào nhập khẩu và sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu hiện nay, khiến thói quen tiêu dùng dần thay đổi, dẫn đến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng.
Do đó, theo ông Gruemmer, nhu cầu lưu trữ, vận chuyển hàng hóa tăng mạnh kéo theo các giải pháp về kho bãi, giao hàng được đa dạng hóa và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Thị trường logistics dự báo sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới và được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” cho nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn năm năm đầu thực hiện); 4,57-5,3% (cho giai đoạn năm năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn năm năm sau đó).
Nhưng nhiều thách thức hơn
Rõ ràng khi EVFTA được thực thi sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp, thị trường đối với dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế. Ngoài ra, cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics của khu vực này cũng rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, doanh nghiệp logistics cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ EVFTA. Bởi lẽ theo các chuyên gia, doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu trong khi khu vực EU vốn rất mạnh về logictics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần lớn trên thế giới.
Mặt khác lâu nay, ngành này vẫn được “bảo hộ” thông qua các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ), chiếm 14 trong top 20 vị trí đầu bảng.
Điểm đáng chú ý là hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics lớn của khu vực EU cũng đã có hoạt động kinh doanh ở thị trường trong nước, dù mức mở cửa của Việt Nam trong logistics theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) còn rất hạn chế.
Một số ý kiến còn lo ngại lo ngại, các nước châu Âu có trình độ logistics cao hơn Việt Nam. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam khó giành được đơn hàng, nhất là khi nhà sản xuất, đầu tư quốc tế có mối liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ logistics ở EU, còn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ yếu xuất theo phương thức FOB.
Do đó, theo giới phân tích sau EVFTA, các cam kết mở cửa của Việt Nam sẽ mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp khu vực này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.
Ở chiều ngược lại EU cũng sẽ mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, theo giới quan sát khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics Việt Nam không lớn. Bởi đây là thị trường đã có sẵn các đối thủ mạnh, khách hàng EU đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp (các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics).
Với những sức ép trên, giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.
Mặt khác, Nhà nước cần và nên triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí logistics bất hợp lý. Cùng với đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần tăng cường kết nối hợp tác với nhau, chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở hai góc độ: (1) cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (2) cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn