Mới đây, nhóm nghiên cứu về điều kiện kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị bãi bỏ logistics cùng 15 ngành nghề khác ra khỏi ngành nghề kinh doanh ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện.
Theo chuyên gia pháp lý, trên thực tế vốn dĩ không hề tồn tại một một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập nên nếu cứ tiếp tục giữ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, mệt mỏi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giấy phép con.
Chuyên gia “khuyên bỏ”, đại diện hiệp hội “khuyên giữ” !
Bình luận về quan điểm nên giữ hay bỏ logistics ra khỏi ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng xét về bản chất logictics không phải là một ngành nghề độc lập.
“Logistics thực ra không phải là một ngành nghề riêng biệt mà nó chính là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan…”.
Vì vậy, theo ông Tuấn các doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai tầng điều kiện kinh doanh, một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh.
“Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành . Do vậy nên DN sẽ phải thỏa mãn điều kiện về khai thuê hải quan hay vận tải hàng hóa, đồng thời phải có cái mũ điều kiện của ngành logistics nếu đăng ký kinh doanh theo tên này. Điều này là vô lý, vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của DN”, ông Tuấn nói.
Từ đó, VCCI kiến nghị loại bỏ logistics ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện cùng với 15 ngành nghề khác.
Không đồng thuận với quan điểm của ông Tuấn, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, nên giữ logictics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Mặt khác, dù thừa nhận logistics là một chuỗi các ngành logistics rằng, phải giữ logictics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì mới có thể đảm bảo được quyền lợi của hội viên, khách hàng. Đồng thời cũng tránh được tình trạng lợi dụng khi xin cấp phép đầu tư kinh doanh dịch vụ logictics.
“Hiệp hội logictics Việt Nam cũng như Hiệp hội logictics thế giới đều có những quan điểm riêng của mình để bảo vệ khách hàng của mình và quyền lợi của hội viên. Phải có điều kiện làm cơ sở hoạt động cho DN, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Logistics đúng là có nhiều ngành dịch vụ tổng hợp, nhưng cần xác định điều kiện kinh doanh chung cho cả ngành để tạo điều kiện cho quản lý và cấp phép đầu tư, tránh bị lợi dụng khi xin cấp phép đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics”, ông Tương nói
Đồng thời, ông Tương còn đề nghị giữ nguyên điều kiện có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu trong ĐKKD với lý do đội ngũ nhân viên góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cung cấp dịch vụ cho DN.
Dường như, những tranh cãi xung quanh câu chuyện nên bỏ hay giữ logistics ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Logictics dưới góc nhìn pháp lý
Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho rằng, các quy định về điều kiện kinh doanh logistics ra đời cách nay gần 10 năm đã không còn phù hợp trong xu thế phát triển và hội nhập của ngành này.
“Điều kiện kinh doanh của ngành logistics đã tồn tại hơn một thập kỷ qua và trong bối cảnh hiện nay thì việc xem xét, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đối với dịch vụ logistics là rất cần thiết”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cho rằng trên thực tế vốn dĩ không hề tồn tại một một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập nên nếu cứ tiếp tục giữ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, mệt mỏi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giấy phép con.
“Thực tế không hề tồn tại một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập. Nếu cứ giữ logistic là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì DN sẽ phải chịu ‘hai tầng điều kiện kinh doanh’.Điều này làm gia tăng chi phí, thời gian của doanh nghiệp và Nhà nước. Chỉ cần kinh doanh một ngành, nghề có điều kiện là đã có thể ‘nếm trải’ những mệt mỏi, vất vả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giấy phép con… huống hồ là 2 tầng điều kiện kinh doanh “đè” lên DN”, ông Vũ nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Thành phố HCM cũng cho rằng nên bỏ logistics ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi:
“Theo tôi, nên bỏ logistics ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiên bởi các lí do sau:
Thứ nhất, bản chất logistics cũng không phải là ngành kinh doanh mang tính chất đặc thù ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe đến con người hay đến anh ninh quốc gia...nó chỉ là một ngành mang tính chất kinh tế kinh doanh thông thường với các chuỗi hoạt động có mối liên hệ với nhau mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể kinh doanh. Thứ hai, logistic là một chuỗi các ngành nghề liên quan nên việc ra kinh doanh có điều kiện với chuỗi ngành nghề này sẽ hạn chế sự phát triển của ngành. Thứ ba, nếu tiếp tục duy trì sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho DN”, ông Hùng nói.
Để ngành logistics có thể phát triển, để DN có thể giảm tải được các chi phí, ông Hùng kiến nghị nên sớm bỏ logistics ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
(Theo enternews.vn)