Logistics chưa theo kịp thương mại điện tử

Tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore.

Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI năm 2018

 

Sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa không chỉ gia tăng về số lượng mà còn cả về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện nay vẫn đang tụt hậu, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

 

Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, ngành logistics Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng 16%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với nhiều nỗ lực, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong chỉ số LPI (Logistics Performance Index – chỉ số đánh giá kết quả hoạt động logistics) trong năm vừa qua.

 

Nếu như năm 2016, Việt Nam có chỉ số LPI là 2,98, xếp hạng 64/160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN, thì năm 2018 chỉ số này tăng 25 bậc. Theo đó, Việt Nam vượt lên ở vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể là 3,27, cao nhất trong 6 lần xếp hạng, xếp thứ 3 trong khối ASEAN, sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32.

 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), quy mô thị trường logistics Việt Nam cũng không ngừng tăng cùng với tăng trưởng nhanh của kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua, đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Trong đó, thương mại điện tử đang và sẽ là nhân tố dẫn dắt chính sự phát triển của logistics.

 

Thống kê của Công ty Armstrong & Associates (Hoa Kỳ) cho thấy, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 7,2 – 7,5% tổng doanh thu logistics thế giới.

 

Thương mại điện tử lên ngôi

 

Với sự phát triển không ngừng của điện thoại thông minh, mức độ phủ sóng ngày càng rộng của mạng Internet cùng các mạng không dây 3G và 4G, doanh thu từ hoạt động mua sắm trực tuyến liên tục gia tăng. Nếu như giá trị thương mại điện tử trong năm 2012 mới chỉ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, đến năm 2017 đã tăng lên gấp 5 lần và đạt mức 25,7 nghìn tỷ đồng (số liệu của Euromonitor).

 

Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến, giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106 nghìn tỉ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỷ USD.

 

Nhờ bàn đạp là sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thương mại điện tử ở Việt Nam đang ở thời kì “bình minh rực rỡ”, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất trên thế giới với sự xuất hiện của nhiều công ty thương mại điện tử, tiêu biểu như: Sendo, Adayroi!, Tiki, Lazada, Shopee… Kèm theo đó, áp lực ngày càng tăng lên hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống nhà xưởng, nhà kho.

 

Ông Nguyễn Trần Thi, CEO Công ty cổ phần dịch vụ Giao Hàng Nhanh đánh giá: “Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử mỗi năm tăng trưởng lên đến 100% nhờ đại đa số giới trẻ đều dùng Internet và xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến”.

 

Trong khi thương mại truyền thống chỉ tập trung phát triển ở một số thành phố lớn, thương mại điện tử lại được phủ sóng khắp mọi tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy nhiên, thương mại điện tử không thay thế kênh mua sắm thông thường, mà đang chuyển đổi thành kênh mua sắm chính thức, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mình.

 

“Miếng bánh thương mại điện tử trong thị trường thương mại chung sẽ ngày càng lớn hơn. Đây là cơ hội cực kỳ lớn cho những doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường này”, ông Thi bày tỏ.

 

Trong xu thế chung của phát triển công nghệ, thương mại điện tử phát triển với tốc độ chóng mặt do mang lại ngày càng nhiều ích lợi cho người tiêu dùng.

 

Ông Hồ Châu Tài, Giám đốc Kế hoạch kinh doanh và hoạt động tại Tập đoàn Tiki phân tích “thương mại điện tử đem lại tính tiện lợi, giá rẻ, cạnh tranh so với các cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải đệ đơn xin phá sản vì sức ép của thương mại điện tử”.

 

Theo thời gian, những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng bị loại bỏ. Từ đó, thị trường sẽ đón nhận những doanh nghiệp có thực lực với mong muốn phục vụ cho lợi ích của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tăng niềm tin đối với thương mại điện tử.

 

Tất nhiên, “quả bóng tuyết càng lăn sẽ càng to, người tiêu dùng ngày càng có nhiều niềm tin hơn vào thị trường thương mại điện tử, sẽ giúp các công ty thương mại điện tử phát triển, cung cấp nhiều tiện ích hơn cho người dùng”, anh Tài ví von.

 

Tuy nhiên, dù có những bước tiến nhảy vọt trong chỉ số LPI, logistics tại Việt Nam vẫn còn nhiều “nút thắt cổ chai”, cản bước thương mại điện tử phát triển.

 

Nhiều điểm nghẽn cản bước “bệ phóng”

 

Để chiếc “tên lửa” thương mại điện tử có thể phóng được với tốc độ chóng mặt, không thể thiếu được “bệ phóng”, đó chính là sự quản lí chuỗi cung ứng và logistics trong thương mại điện tử.

 

Tuy nhiên, TS. Phạm Nguyên Minh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đánh giá “doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước còn khá non trẻ, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Năng lực của các doanh nghiệp không đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics”.

 

Ngoài ra, điểm yếu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt.

 

“Nguyên nhân chính là do hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động quốc tế”, ông Minh phân tích.

 

Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam chiếm đến 20,9%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore. Đó là con số phản ánh mức chi phí logistics ở Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

 

Về chi phí vận tải, hiện nay, trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, chiếm 59%. Chi phí này đang chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, mặc dù giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, tuy nhiên đến 90% đơn hàng hẹn thanh toán sau khi nhận hàng, hay tỷ lệ giao hàng không thành công khá cao, khoảng 8 – 10%. Điều này không chỉ tăng chi phí cho người bán hàng, mà khiến những doanh nghiệp logistics nảy sinh nhiều chi phí, từ chi phí lưu trữ hàng hóa, chi phí con người đến nhiều quy trình xử lý phức tạp phía sau để hoàn đơn.

 

Công nghệ là nhân tố bứt phá

 

Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt, khi “ông lớn” DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với “tuyên ngôn” giao hàng trong vòng 2 giờ.

 

Đánh giá Giao Hàng Nhanh là đối tác tin cậy và lớn, có dịch vụ với chất lượng ổn định, dẫn đầu trên thị trường về tốc độ giao hàng và thời gian, Tiki đã chọn Giao Hàng Nhanh là một trong những đơn vị vận chuyển cho mình. Tiki cũng phải thừa nhận, chính công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp này.

 

Ông Tài lý giải, đầu tư vào công nghệ là đầu tư cho tương lai. Thứ nhất, Tiki chi tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng phát triển mạnh mẽ hơn. Thứ hai, đầu tư công nghệ để thay đổi thói quen, “educate” người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. “Đầu tư về công nghệ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử”, ông Tài cho hay.

 

Nguồn: mt.gov

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2