Khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tiềm năng phát triển rất lớn. Hệ thống logistics phát triển và hoàn thiện chính là chìa khóa giúp tiềm lực của các địa phương được kết nối, từ đó tạo đà và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Nhưng để có hệ thống logistics, điều kiện tiên quyết vẫn là hạ tầng giao thông kết nối, hoàn chỉnh.
Giao thông - Mắt xích quan trọng
Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông có khoảng 50 khu chế xuất và khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại khu vực này vẫn còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là khó khăn trong kết nối giao thông, nhất là đường bộ và đường biển. Trong khi đó, ở khu vực này, lượng hàng hóa rất lớn như: Quặng bô-xít, alumin; Tro xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Máy móc, thiết bị phục vụ các công trình, dự án năng lượng như điện gió, điện mặt trời, điện khí, nhiệt điện; Sản phẩm từ cây cao su, cà phê, điều; Sản phẩm nông nghiệp như thanh long, nho… Hầu hết, hàng hóa ở khu vực này đều phải xuất nhập khẩu thông qua các cảng thuộc khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM, Cam Ranh và Quy Nhơn với khoảng cách trung chuyển 100 - 300km khiến gia tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tháng 4/2019, Cảng quốc tế Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) khánh thành bến thứ hai và chỉ một tháng sau đó cảng đã đón chuyến tàu quốc tế đầu tiên. Sự hiện diện của Cảng quốc tế Vĩnh Tân là điểm nhấn quan trọng của hệ thống logistics tại Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên nói chung.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh: “Bình Thuận có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế và là cầu nối giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đang hội tụ nhiều điều kiện để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi, đặc biệt nhất là đột phá về hạ tầng giao thông như: Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang đang gấp rút triển khai...
Theo ông Phan Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân: “Cảng có diện tích gần 160ha được thiết kế gồm một bến 3.000 tấn, hai bến 50.000 tấn và một bến 100.000 tấn cùng các khu vực chức năng như khu văn phòng, kho bãi, hậu cần và logistics... Với công suất khai thác theo thiết kế đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, Cảng quốc tế Vĩnh Tân có thể đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Kết nối giao thông giúp hoàn thiện hệ thống logistics
PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đối với dải đất miền Trung phát triển cảng biển không chỉ để phục vụ cho sản xuất kinh doanh ở ngay các tỉnh miền Trung mà nó còn là quá trình chu chuyển của các tỉnh khác đi dọc chiều dài đất nước, thậm chí cho cả các nước bạn Lào, Campuchia và nếu làm tốt, ta có thể phát huy được lợi thế kinh tế của cả các vùng lân cận.
Cảng quốc tế Vĩnh Tân nằm kề bên QL1 dễ dàng kết nối với các dự án hạ tầng giao thông quốc gia đang được đầu tư như: Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận, kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cảng cũng dễ dàng kết nối với hệ thống giao thông khu vực Nam Trung bộ với Tây Nguyên qua QL28, 28B, 27, 20, 14...
Tuy nhiên, để hệ thống logistics tại khu vực hoàn thiện và phát triển thì vẫn phải bắt đầu từ việc làm thế nào để kết nối hệ thống giao thông đường bộ với đường biển một cách hiệu quả nhất.
Theo khảo sát của phóng viên, việc kết nối giao thông từ khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận lên khu vực Tây Nguyên chủ yếu theo các QL28, 28B, 27, 20, 14... Tuy nhiên, hệ thống giao thông trên có lòng đường hẹp, nhiều tuyến đường xuống cấp khiến việc vận chuyển hàng hóa từ Lâm Đồng, Đắk Nông kết nối với QL1 và cảng biển Nam Trung bộ gặp rất nhiều khó khăn. Việc kết nối khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên qua QL55 cũng gặp khó khăn tương tự.
Theo nhận định của một số chuyên gia logistics cũng như mong mỏi của nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Nam Trung bộ, Tây Nguyên, trước mắt Nhà nước cần ưu tiên nâng cấp và mở rộng QL28B nối Bình Thuận với Lâm Đồng và tuyến QL55 kết nối 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng, từ đó hình thành hệ thống giao thông đa phương thức kết nối giao thông đường bộ với đường biển tại khu vực này.
Nguồn: baogiaothong.vn