Lazada với cuộc chiến logistics để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á

Công ty thương mại điện tử Lazada có trụ sở ở Singapore, đang phát động cuộc chiến xây dựng mạng lưới logistics (kho vận) ở Đông Nam Á để duy trì lợi thế trước các đối thủ khác như Amazon và JD.com tại khu vực này.

Hợp tác với hơn 100 công ty giao nhận

Nhờ thương mại điện tử, Đông Nam Á đang đứng trước cơn bùng nổ logistics nhưng khu vực này cần sự đầu tư lớn ở các thành phố và mạng lưới giao hàng chặng cuối (last mile delivery) để phục vụ nhu cầu mua hàng trực tuyến.

Hãng tin Reuters ngày 29-9 dẫn lời ông Pierre Poignant, Giám đốc hoạt động của Lazada, cho biết Lazada sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới giao hàng và làm việc với các đối tác khác khi nhu cầu phát triển. Lazada đang hợp tác với hơn 100 công ty trong lĩnh vực logistics xuyên biên giới và giao nhận từ Công ty giao nhận Ninjavan ở Singapore cho đến start-up gọi xe Go-Jek ở Jakarta (Indonesia).

Theo Poignant song song đó, Lazada sẽ mở rộng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á để cắt giảm chi phí và cải thiện các dịch vụ bằng cách thiết lập các trung tâm phân phối nhỏ nằm gần các khu vực của khách hàng. Sàn giao dịch thương mại điện tử của Lazada đang có hơn 130.000 doanh nghiệp chào bán sản phẩm. Để lưu trữ lượng hàng hóa khổng lồ, Lazada đã xây dựng hữu 14 nhà kho với diện tích mặt bằng 185.000m2. Năm 2018, Lazada dự định mở thêm 5 đến 6 nhà kho nữa. Ngoài ra, Lazada còn có 130 trung tâm phân phối nhỏ hơn.

“Logistics ở Đông Nam Á sẽ rất khác với những nơi khác trên thế giới. Thật khó để tin rằng một công ty có thể đảm nhận mọi thứ về logistics tại đây. Khoảng cách từ tỉnh Aceh đến tỉnh Papua của Indonesia lớn hơn nhiều so với khoảng cách từ Miami đến Seattle của Mỹ nhưng mọi người không nhận ra”, Poignant nói khi ám chỉ đường xá đi lại khó khăn ở Indonesia vì đất nước này có hàng ngàn hòn đảo nhỏ.

Là thị trường internet lớn thứ tư thế giới, Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục chứng kiến tốc độ phổ cập Internet nhanh chóng với khoảng thêm gần 4 triệu người tiếp cận Internet mỗi tháng. Điều này lý giải tại sao báo cáo của Google vào năm 2016 ghi nhận Đông Nam Á là thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Nhiều thách thức về logistics

Tuy nhiên, dù có những động lực tăng trưởng quan trọng bao gồm lực lượng dân số trẻ sử dụng điện thoại di động thường xuyên và một mạng lưới bán lẻ đa dạng, Đông Nam Á vẫn đứng trước những thách thức lớn về losgistics, chẳng hạn, các công ty như Lazada sẽ phải nỗ lực để chinh phục một khu vực với hàng chục ngàn hòn đảo, đường xá kém chất lượng và các thành phố thường xuyên tắc nghẽn giao thông.

Ông Poignant cho biết một số nơi ở Đông Nam Á thậm chí còn không có hệ thống số nhà chính thức, khiến công việc giao hàng trở nên phức tạp, tỷ lệ hàng bị trả lại cao do không tìm được nhà của khách hàng và thậm chí, hơn 50% giao dịch vẫn còn thanh toán bằng tiền mặt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tháng 10 năm ngoái, ông Poignant đã nêu ra một số khó khăn trong việc giao hàng ở Philippines. “Ở một số nơi, hoàn toàn không có địa chỉ... và nhiều nơi bạn phải đi thuyền mới đến được. Có thể mất vài ngày, thậm chí hàng tuần mới đưa hàng đến được một số đảo xa xôi”, ông nói.

Điều này buộc Lazada phải thử nghiệm phương thức mua bán mới: cho khách hàng đặt mua trực tuyến nhưng nhận hàng và thanh toán tại các cửa hàng thực tế như ở Indonesia, Malaysia. Tại nhiều thành phố lớn của Indonesia, đặc biệt là Jakarta, Lazada sử dụng xe điện ba bánh để chuyển các gói hàng lớn cho khách, chứ ít khi sử dụng xe ô tô và xe tải vi chúng lưu thông quá chậm do tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa.

Amazon và các công ty thương mại điện tử khác cũng nắm bắt được tiềm năng của thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á. Amazon đang sử dụng Singapore để làm bàn đạp mở rộng sự hiện diện ra khu vực.

Trong khi đó, JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc, chọn Thái Lan làm điểm xuất phát đồng thời hợp tác với nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group.

Alibaba đã thâu tóm Lazada trong nỗ lực tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài thị trường Trung Quốc. Thương vụ mua cổ phần kiểm soát của Lazada trị giá một tỉ đô la Mỹ vào tháng 4-2016 là thương vụ đầu tư lớn nhất của Alibaba ở nước ngoài cho đến nay. Trong năm nay, Alibaba tiếp tục rót thêm một tỉ đô la Mỹ vào Lazada để nâng cổ phần tại Lazada lên hơn 80%.

Lawrence Cheok, Giám đốc nghiên cứu cấp cao ở Công ty tư vấn IDC (Mỹ) cho rằng Singapore không phải là thị trường có quy mô lớn để có thể mang lại lợi nhuận tốt cho Amazon nhưng nó sẽ là bệ phóng tốt để thăm dò và thử nghiệm cách mở rộng các dịch vụ ra khắp khu vực Đông Nam Á, một thị trường rộng lớn chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Cheok nhận định khả năng thành công của Amazon ở thị trường Đông Nam Á là rất khó khi đối thủ Alibaba đã có lợi thế với công ty thương mại trực tuyến Lazada đang phủ sóng ở các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Poignant cho rằng Lazada có kinh nghiệm logistics hơn hẳn so với các đối thủ. “Về phương diện logistics, chúng tôi đang phát triển một thế cạnh tranh rõ ràng. Chúng tôi là người đầu tiên thiết lập mạng lưới giao nhận rộng mở ở Đông Nam Á bằng cách kết hợp cơ sở hạ tầng của chúng tôi và các đối tác. Xây dựng mạng lưới logistics là một quá trình phức tạp và lâu dài”, Poignant nói.

Tháng 11 năm ngoái, Lazada đã mua công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến Redmart của Singapore để sở hữu hệ thống kho lạnh dự trữ thực phẩm của Redmart đồng thời mở rộng hoạt động kinh doanh thực phẩm ra khu vực. “Một trong những lý do chúng tôi quyết định thâu tóm Redmart là bởi thực phẩm cần rất nhiều kỹ năng cụ thể mà bạn phải phát triển. Chúng tôi có tham vọng phát triển mảng kinh doanh này ra khắp khu vực”, Poignant nói.

Nguồn: thesaigontimes.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2