Vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế
Chiều 29/5, tại buổi tọa đàm “Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển”, ông Bùi Thiên Thu - Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết trải qua hai lần lập quy hoạch và một lần điều chỉnh, đến nay, nước ta có có 45 cảng biển, 272 bến cảng, 75km chiều dài cầu cảng, gấp gần bốn lần so với năm 2000. Không chỉ tăng về số lượng, các cảng biển của ta còn thay đổi rất lớn. Trước đây, các cảng chỉ mong muốn đón những con tàu từ 2-3 vạn tấn, nhưng giờ cảng biển của Việt Nam đón được những con tàu đến 194.000 tấn với sức chở với sức chở 18.300 TEU. Từ năm 2000 đến nay, sau gần 19 năm, lượng hàng thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân 11,1%/năm. Trong đó, container tăng trưởng 14,4%/năm. Lượng hàng năm 2000 thông qua cảng biển chỉ đạt 73 triệu tấn nhưng đến năm 2018 vừa qua, con số này đã tăng lên 525 triệu tấn.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngay từ những năm đầu của hội nhập kinh tế, hệ thống cảng biển là mấu chốt để giúp phát triển và vai trò cảng biển của cả nước là rất lớn. Trong tổng số kêu gọi đầu tư của nước ngoài vào hệ thống cảng biển Việt Nam, thì cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh là 3 cụm cảng trọng điểm quốc gia, đều được vay vốn ODA để phát triển. Ngoài ra chúng ta còn vay vốn ODA để phát triển cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đây là hệ thống cảng xương sống ở các vùng trọng điểm phát triển kinh tế, chúng ta đều có những khoản vay vốn rất lớn từ những năm 2000 để chúng ta có thể hỗ trợ cho cảng biển phát triển.
“Cá nhân tôi đánh giá hệ thống cảng biển quốc gia, bao gồm các cảng biển do các doanh nghiệp Nhà nước, các cảng do Công ty cổ phẩn, liên doanh khai thác là cửa ngõ để các bạn quốc tế biết Việt Nam, hiểu Việt Nam, và cũng là chỗ để Việt Nam chứng minh được năng lực, khả năng phát triển của nền kinh tế đang đạt được tốc độ khả quan, đang dần khẳng định vị thế của mình như thế nào trên trường quốc tế”, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Cũng như TS. Nguyễn Đức Kiên, ông Phạm Tất Thắng - Đại biểu Quốc hội nhìn nhận vận tải biển nói chung và vận tải biển Việt Nam nói riêng có vai trò hết sức quan trọng. Từ thời phong kiến, vận tải biển chính thức trở thành ngành kinh tế quan trọng. Vận tải biển góp phần thay đổi cơ cấu hàng hoá, thị trường trong buôn bán quốc tế, tác động tới cán cân thanh toán quốc tế. Những năm gần đây, vận tải biển đã chứng tỏ vai trò, vị trí quan trọng của mình như phát biểu của TS Nguyễn Đức Kiên. Nhìn vào hệ thống cảng biển chúng ta biết được “sức khoẻ” của nền kinh tế. Có thể nói ưu thế của của vận tải biển với phương thức vận tải, số lượng lớn, quãng đường dài, giá thành chi phí thấp, khi kinh tế phát triển sẽ tác động đến vận tải biển phát triển và ngược lại, khi vận tải biển phát triển tốt thì thúc đẩy đến nền kinh tế.
Cần tháo gỡ những tồn tại
Mặc dù ghi nhận sự phát triển của hệ thống cảng biển nước ta nhưng TS. Nguyễn Đức Kiên đánh giá chúng ta có 45 cảng biển nhưng cảng biển đúng nghĩa thì rất ít, hầu hết chỉ là bến. Vai trò cảng biển rất quan trọng nhưng một thực trạng hiện nay cho thấy sự kết nối giữa các phương thức vận tải khác với cảng biển vẫn còn đang rất hạn chế. Cụ thể như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay không có đường sắt, và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối. Chúng ta cũng vừa làm cảng Lạch Huyện, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản, với sự tư vấn của Nhật Bản, nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối. Đây là những vấn đề đang được đặt ra.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Đức Kiên, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khẳng định Việt Nam có lợi thế đặc biệt về mặt địa lý, địa hình tự nhiên để phát triển kinh tế biển nhưng phải làm sao để tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này mới là vấn đề. Nhiều cảng biển để làm gì mới là câu hỏi cần trả lời. Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm nằm dọc theo đường bờ biển và mỗi vùng kinh tế trọng điểm này có những đặc điểm khác nhau và việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào là một vấn đề lớn. Ngoài ra, cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, khiến lợi ích kinh tế vẫn thấp. Do đó, ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ.
"Chúng ta cần có tầm nhìn chính xác và xây dựng hướng phát triển dựa trên đặc điểm riêng của từng vùng. Nếu chỉ xây dựng chiến lược chung chung thì rất khó phát triển", PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Trao đổi về những vấn đề tồn tại của hệ thống cảng biển Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đặt ra câu hỏi tại sao hệ thống cảng biển của chúng ta có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn thế không phát huy được hết lợi thế của mình? Theo ông Cung, tình hình kinh tế chúng ta rất mở, phát triển vừa qua là dựa vào xuất khẩu nên đương nhiên là chúng ta xuất nhiều, xuất nhiều thì cần phải có cảng biển. Nhưng vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay đó là chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển rất cao. Tắc chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm như Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn, Hải Phòng… phần lớn sản xuất của chúng ta nằm ở đây, tăng trưởng ở đây, chiếm tới 60% GDP của cả nước. Giả sử như chúng ta tăng trưởng ở vùng này tăng thêm 1% thì GDP chúng ta tăng thêm được 0,6 điểm %; bây giờ chúng ta tăng 6% trong hai vùng này thì GDP cả nước tăng 7,6%. Nếu chúng ta giảm được chi phí ách tắc từ logistic thì chúng ta có thể tăng trưởng thêm.
“Rõ ràng chúng ta nhìn như thế, nhưng để giải tỏa ách tắc từ hai đầu trọng điểm đó góp phần cực kỳ lớn vào tăng trưởng, chúng ta có khả năng tăng trưởng 9-10% như các nước chứ không phải 6% như hiện nay. Đây là cơ hội phát triển cảng biển nhưng cũng là điểm nghẽn chúng ta cần giải quyết để thúc đẩy nền kinh tế, một cơ hội để chúng ta có thể bứt phá”, ông Cung nhấn mạnh.
Nguồn: tapchigiaothong