Khởi nghiệp sáng tạo trong ngành logistics có nhiều tiềm năng bứt phá

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ.

Tại diễn đàn "Kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics" tổ chức trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2019, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) nhận định, thương mại điện tử và logistics là lĩnh vực mà các tập đoàn lớn cũng như các bạn trẻ hiện nay đang rất quan tâm.

 

Trong đó, nếu nhìn ở góc độ như một ngành công nghiệp dịch vụ, logistics liên quan tới việc chuyên chở và tồn trữ hàng hóa, gắn với các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng.

 

“Tôi mong muốn thời gian tới, các nhà đầu tư, những nhà hỗ trợ khởi nghiệp sẽ chia sẻ, trao đổi và gợi mở cho các nhà làm chính sách những đề xuất với chính phủ về các quy chế, quy định, thí điểm để mở đường cho trí tuệ, sức sáng tạo cho các bạn trẻ khởi nghiệp của Việt Nam phát triển. Đặc biệt là với những lĩnh vực như thương mại điện tử, logistic”, ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.

 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN). Ảnh: VNE 

 

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng giáo khoa, Trường Logistics và Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, trong thời đại 4.0, từ mọi góc độ, logistics đều đóng vai trò quan trọng. Trong đó sau khi thiết kế một sản phẩm, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện thiết kế logistics, lập kế hoạch logistics, vận hành chuỗi cung ứng, dịch vụ khách hàng. Các bước này đều cần công nghệ hỗ trợ.

 

Ông Trần Chí Dũng cũng nói thêm, hiện nay, dịch vụ logistics tại Việt Nam đang phát triển bình quân 12-14%/năm, đóng góp 4-5% vào trong GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam đang ở mức 16,8% (khoảng 40 tỷ USD) - khá cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam năm 2018 cho thấy mức độ áp dụng công nghệ của các công ty trong ngành còn thấp nhưng đã có cải thiện, từ mức 15-25% trong 2016 đạt khoảng 40% năm 2018 tùy loại hình dịch vụ. Thêm vào đó, so với các ngành như truyền thông, bán lẻ khác thì tốc độ chuyển đổi số của ngành logistics còn diễn ra khá chậm.

 

Liên quan tới vấn đề giải pháp, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Việt Nam đã có một số công ty startup tiêu biểu về giải quyết vấn đề logistics như Abivin (xây dựng lộ trình tối ưu, quản lý kho, quản lý vận tải cho doanh nghiệp), Logivan (kết nối mạng lưới xe tải với đơn hàng), FastGo (kết nối tài xế với khách hàng), Xeca (bán vé và quản lý vận tải cho hãng xe khách)...Tuy nhiên, phần lớn các startup hiện vẫn chỉ đang tập trung vào một vài công đoạn rất nhỏ trong khi dịch vụ logistics đang có 17 phân ngành, với những loạt hoạt động khác như kho bãi, xếp dỡ, vận đơn, thương mại điện tử, thu hộ, dán nhãn..

 

“Các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp hỗ trợ ngành logistics tương lai nên có một góc nhìn tổng quan hơn về tất cả những hoạt động cốt lõi của ngành”, ông Đào Trọng Khoa nhận xét.

 

Còn ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ.

 

Nguồn: vietq.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2