Khát nhân lực ngành logistics

Từ nay đến năm 2025, ngành logistics (giao nhận vận tải) ở VN cần thêm gần 300.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo bài bản, nhân lực ngành này hiện đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

Cung luôn thiếu so với cầu
Là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực logistics hơn 10 năm, gần đây, do mở rộng quy mô hoạt động, Công ty cổ phần quốc tế Tico phải thông qua các kênh tuyển dụng để tìm kiếm nhân sự. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không hề dễ dàng.
Bà Tô Thị Hồng Hạnh, phụ trách nhân sự công ty, cho hay: “Đợt vừa rồi, chúng tôi cần tuyển 30 nhân viên kinh doanh làm việc tại Hà Nội và các chi nhánh ở Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM. Công việc là tìm kiếm đối tác, chào bán tất cả các dịch vụ logistics nhưng chỉ có 5 người đạt yêu cầu. Sau 2 tháng, chỉ còn 3 người trụ lại. Do không được đào tạo chuyên sâu và chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên gần như chúng tôi phải đào tạo lại từ đầu, phải mất từ 1 - 2 năm các em mới thành thạo công việc”.
Qua theo dõi thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết logistics là ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có triển vọng việc làm lớn, nhu cầu sử dụng lao động nhiều. Để hạn chế độ “vênh” giữa nhu cầu việc làm và nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã từng tổ chức phiên giao dịch chuyên đề ngành logistics với hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng các ngành kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán...
“Mức lương khởi điểm trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Với những người có kinh nghiệm, mức lương có thể cao hơn nhiều. Đây là cơ hội việc làm rất phù hợp với người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là sinh viên chuyên ngành thương mại - kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu, quản trị logistics... Tuy nhiên, nguồn cung luôn thiếu hụt so với nhu cầu của các doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Kết quả khảo sát 108 doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN trong tháng 9, gần 50% công ty có nhu cầu tuyển thêm từ 15 - 20% nhân viên.
Doanh nghiệp phối hợp với nhà trường trong đào tạo
Ngoài bất cập do chưa có mã ngành, theo PGS-TS Trịnh Thị Thu Hương (Trường ĐH Ngoại thương), giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt khan hiếm, giáo trình tiếng Anh khó tiếp cận, không có mô phỏng về doanh nghiệp logistics, các phần mềm mô phỏng tối ưu toàn chuỗi không được đưa vào giảng dạy...
“Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện, phát triển các chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách cần làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, xác định chính xác nhu cầu lao động trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo hợp lý, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, chi phí tốn kém nhưng lại gia tăng tỷ lệ thất nghiệp...”, bà Hương đề nghị.
Để chương trình đào tạo sát với thực tế, doanh nghiệp không phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng, tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hà, Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội), bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với trường nhiều hơn về địa điểm thực tập cho sinh viên, giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo, hướng dẫn các đề tài liên quan đến thực tế tại doanh nghiệp”.

Nhân lực yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng
Theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, cả nước hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics. Số doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm khoảng 89%. Mục tiêu phát triển của ngành logistics đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, với tốc độ tăng trưởng 15 - 20%, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ 8 - 10%. Để đạt mục tiêu này, từ nay đến 2025, ngành logistics cần thêm 300.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành logistics VN đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề về nhân lực.
Ông Nguyễn Tương thẳng thắn nói: “Hiện có khoảng 200.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người. Nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành dịch vụ logistics, thiếu kiến thức toàn diện, trình độ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ phát triển của logistics thế giới. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ và khoảng 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên”.

Nguồn: thanhnien.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2