Dự kiến trong ba năm tới, các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ phải cần thêm khoảng 18.000 lao động. Các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam đều đang thiếu nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, hiện nay, nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.
Theo TS Nguyễn Minh Đức, trưởng bộ môn Logistics trường Đại học Hàng hải Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%÷25% mỗi năm của ngành logistics, việc thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong nước. Có tới 80,26% nhân lực được đào tạo thông qua công việc hàng ngày, 23,6% tham gia các khóa học về logistics ở trong nước, chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo về logistics ở nước ngoài và trong những người được học về logistics chỉ khoảng 10% có trình độ thông thạo tiếng Anh chuyên ngành logistics.
Để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics của Việt Nam, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Đó cũng chính là lý do Hiệp hội này vừa chính thức tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2021- 2024 và thông qua Nghị quyết Đại hội. Tại đại hội, ông Mai Xuân Thiệu (trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2024.
Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về logistics và quản lý chuỗi cung ứng, được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Hội nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Hiệp hội cho biết, logistics đang trở thành ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, gắn chặt quá trình đổi mới, mở cửa, lưu thông hàng hóa trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Báo cáo Logistics Việt Nam qua các năm cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành logistics những năm qua trung bình ở mức 14-16%, tuy nhiên chi phí logistics hiện nay vẫn còn cao, tương đương với khoảng 15-19% GDP. Điều đó cho thấy việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp logistics và cắt giảm chi phí logistics là các yếu tố sống còn để cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Nhu cầu liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, ông Thiệu khẳng định.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định “Hiệp hội ra đời nhằm phấn đấu trở thành nơi hội tụ để lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn và hiệu quả hơn những tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến cho công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics nhằm đáp ứng cao yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của ngành logistics Việt Nam”.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Hiệp hội đã công bố việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội và các Hiệp hội đối tác bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia Việt Nam. Việc ký kết này tạo ra sự gắn kết, hỗ trợ và đồng hành của các đối tác, là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của VALOMA.
Hơn 3 năm qua, tiền thân của Hiệp hội là mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam, đã tổ chức nhiều chương trình và hoạt động bổ ích cho giản viên, sinh viên nhằm kết nối với các trường với nhau và với các doanh nghiệp logistics trên cả nước như: cuộc thi tài năng trẻ Logistics Việt Nam, tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics”, tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp logistics.