Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ra biển của Lào và Thái Lan. Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, Trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, khu logistics Vũng Áng có diện tích quy hoạch 106,9ha, công suất khoảng 16,3 triệu tấn/năm; khu logistics cảng Sơn Dương có diện tích quy hoạch 159,84ha, công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm.
Khu vực quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng tại Khu kinh tế Vũng Áng. |
Những lợi thế của Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã lọt tầm mắt nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Tập đoàn cảng Hạ Môn (Trung Quốc), Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn cảng biển Singapore và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn..
Vào đầu năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, khai thác phát triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương. Biên bản ghi nhớ thống nhất trên nguyên tắc hợp tác để cung cấp và sử dụng các sản phẩm dịch vụ. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ khảo sát đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển và Trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương, về phía tỉnh Hà Tĩnh; hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, công cụ xếp dỡ, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đang đầu tư, khai thác cảng trên địa bàn. Tiếp đó kêu gọi các chủ hàng, hãng tàu và các khách hàng là đối tác của Tân Cảng Sài Gòn để mở tuyến vận tải hàng container qua cảng Vũng Áng.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Duy Linh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt - cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực cần thiết để tiếp nhận tàu và hàng container. Cùng với đó là phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với một số khách hàng nội địa và khách hàng tại Lào; tính toán đưa ra giá dịch vụ hợp lý cho các chủ hàng và phương án khai thác; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan cho Tân Cảng Sài Gòn để phối hợp nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết, Khu kinh tế Vũng Áng là 1 trong 9 khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để phát triển trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung. Ông Quảng cũng cho hay, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, trong đó tích hợp quy hoạch 2 trung tâm logistics trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Trung tâm logistic Vũng Áng - Sơn Dương, Trung tâm logistics tại Đức Thọ.
Hiện, chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và logistics ở Hà Tĩnh từng bước được hoàn thiện, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua việc đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, chủ động hội nhập, hợp tác phát triển năng lực vận tải quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Vùng cảng biển Vũng Áng có vị trí chiến lược nằm giữa trục đường từ Bắc vào Nam, có tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp vùng, kết nối hành lang kinh tế Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây", ông Quảng cho biết thêm.
Là "bến đỗ" đầy triển vọng khu vực ven biển miền Trung, ngày càng nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ... đã tới Khu kinh tế Vũng Áng để khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhiều tập đoàn đề xuất nghiên cứu khảo sát xây dựng một tổ hợp cảng biển, trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối Cảng biển Vũng Áng với các cảng biển quốc tế.
Theo ông Hoàng Văn Quảng, phát triển dịch vụ logistics tại khu kinh tế còn bất cập; giao thông đối nội trong Khu kinh tế Vũng Áng đang còn manh mún, chưa tương xứng với thực tiễn và mục tiêu phát triển. Với hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đên sức hấp dẫn đầu tư và làm giảm các lợi thế tiềm năng sẵn có, mặc dù đây là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương còn thấp so với nhu cầu đầu tư.
Để cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của Hà Tĩnh, điều cấp thiết là phải phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, các cảng nội địa (ICD), các bến xe tải và trung tâm dịch vụ logistics. Đồng thời, xây dựng những chính sách tạo thuận lợi cho kết nối các phương thức vận tải, vận tải qua biên giới.
Đánh giá tình hình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và logistics, kế hoạch phát triển và các hoạt động cần triển khai tại đây, ông Quảng cho biết, Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư chiến lược, có tiềm năng, xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics, năng lượng mới; lập danh mục các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép như cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện, đồ gia dụng
Phát triển dịch vụ logistics trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế. Sớm hoàn thành, phê duyệt quy hoạch chi tiết Trung tâm logistic Vũng Áng - Sơn Dương; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, hạ tầng giao thông kết nối với quốc lộ 12C tạo sức hấp dẫn cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư Trung tâm logistic Vũng Áng - Sơn Dương và phát triển các dịch vụ hậu cảng (xếp dỡ, kho bãi, kiểm định hàng hóa...).
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, ông Hoàng Văn Quảng kiến nghị các giải pháp chính để phát triển vận tải và logistics. Cụ thể, nâng cao mạng lưới logistics với việc phát triển một cảng nước sâu quy mô lớn, bố trí hệ thống đa cảng biển và nhiều cổng ra vào; tiến hành cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay; thúc đẩy phát triển cảng cạn, trung tâm logistics, các bãi xe tải và cơ sở logistics; tải thiện về các qui định và thể chế trong lĩnh vực này.