Giải điểm nghẽn chi phí cao trong logistics

Khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thuộc các nhóm hàng rau quả, hàng cà phê cho thấy, chi phí logistics hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành hàng hóa xuất khẩu.

Các chuyên gia đánh giá, chi phí logicstic cao đã đẩy giá thành hàng hoá cao sẽ giảm sức cạnh tranh của hàng hoá và DN Việt trên thị trường quốc tế.

 

Phí logistics chiếm 50% giá xuất khẩu

 

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính đến nay nước ta có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... 

 

Đáng chú ý, trong đó chỉ có hơn 20 DN đa quốc gia đầu tư hoạt động logistics tại Việt Nam nhưng chiếm lĩnh đến gần 80% thị phần. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, với sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, thị trường logistic Việt Nam trở nên sôi động hơn, đặc biệt có nhiều nhà đầu nước ngoài đã chạy đua rót vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Tuy nhiên, tốc độ phát triển của logistic tại Việt Nam vẫn chưa theo kịp được tốc độ gia tăng của hoạt động XNK hàng hóa và sự phát triển nhanh chóng của TMĐT. Ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, DN XNK. Quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu...

 

PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, TMĐT Việt Nam đang có tốc độ gia tăng cao đến gần 30%, theo tính toán, đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 43% - cao nhất khu vực Đống Nam Á. Trong khi đó, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt gần 16%, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Logistics và các hạ tầng khác đồng bộ thì chi phí sẽ giảm, sức cạnh tranh của hàng hoá và DN sẽ tốt hơn rất nhiều.

 

Bộ Công Thương dẫn ví dụ, chi phí vận tải quốc tế cho 1kg thanh long sang Mỹ vào khoảng 3,5 USD/kg bằng phương thức vận tải hàng không - chưa tính chi phí chiếu xạ tùy loại trái cây dao động cũng như chưa tính chi phí vận tải nội địa. Như vậy, nếu bán cho nhà nhập khẩu Mỹ với giá khoảng 7 USD/kg thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm khoảng 50% giá xuất khẩu.

 

Trong khi đó, đối với hàng nông sản xuất khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long, với khó khăn do không xuất khẩu trực tiếp từ vùng trồng mà phần lớn vận chuyển lên TP HCM để xuất đi từ cảng Cát Lái hay vận chuyển ra Cái Mép để vận chuyển tuyến trực tiếp đi châu Âu hay châu Mỹ, do đó tăng chi phí và kéo dài thời gian.

 

Ông Nguyễn Quốc Bình, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng,  toàn bộ giá trị gia tăng trong khâu vận chuyển và giá trị gia tăng logistics khác hiện đang rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Lý giải vấn đề này, ông Bình cho rằng, nguyên nhân sâu xa là năng lực vận tải biển của nước ta rất yếu, nên thị phần dịch vụ vận tải biển (chiếm 60% trong cơ cấu logistics) rơi vào tay các hãng tàu biển quốc tế. 

 

Dịch vụ cảng (chiếm 20% trong cơ cấu logistics) cũng rất bất cập. Đơn cử, cảng đầu mối có lượng hàng thông qua lớn nhất hiện nay là Cát Lái nằm sâu trong nội địa, chỉ những tàu có trọng tải dưới 25.000 tấn vào được, nên 90% lượng hàng xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua một vài cảng lớn trong khu vực, chủ yếu là Singapore, để đến với thị trường quốc tế bằng tàu viễn dương cỡ lớn. 

 

Chính vì vậy, hàng hóa xuất khẩu phải chịu chi phí ở cả cảng nội địa, cảng trung chuyển, cộng thêm phí vận tải trung chuyển quốc tế. Tính sơ bộ, chỉ nắm 2 khoản vận tải viễn dương và trung chuyển hàng hóa, doanh nghiệp nước ngoài đã chi phối gần 80% thị phần logistics Việt Nam.

 

 

 

Ứng dụng công nghệ nhằm giảm giá thành

 

Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho rằng, trước tốc độ phát triển nhanh như vũ bão của thương mại điện tử (TMĐT) và nhu cầu dịch vụ chuyển phát, vận chuyển của các DN FDI, DN tại các KCN, nhà máy thì DN trong nước không thể đứng ngoài cuộc mà phải tham gia vào cuộc chơi, đặc biệt phải tự làm mới mình bằng dịch vụ chuyên nghiệp, trong đó ứng dụng công nghệ mới vào vận hành đây chính là chìa khóa để phát triển logistic trong thời đại 4.0. 

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngay tại Vietnam Post ngoài các dịch vụ truyền thống thì đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ triển khai nhiều mảng trong dịch vụ logistics, nhất là sự phối hợp với các sàn TMĐT, vận chuyển các đơn hàng một cách nhanh, thuận tiện với chi phí hợp lý nhất từ người bán tới người mua, ngay cả vùng sâu vùng xa cũng đáp ứng được. Đây cũng là một nỗ lực rất lớn của DN trong việc phủ sóng các tuyến dịch vụ.

 

Để hóa giải những thách thức, rào cản về logistic để mở rộng đường cho TMĐT phát triển, ông Nguyễn Duy Hưng (Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát, Đồng Nai) cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của DN thì về phía cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để ngành logistics có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. DN logistics Việt có lớn mạnh được thì mới đủ sức cạnh tranh và giữ được thị phần.

 

Đặc biệt, ông Lê Quốc Anh cho rằng, ứng dụng CNTT và các giải pháp tích hợp hệ thống, bắt kịp xu hướng của dòng chảy công nghệ và thị trường, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của hoạt động trong nước và quốc tế sẽ là điểm đến thành công cho các DN logicstics Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

 

Nguồn: cand.com.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2