Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, hơn 20 khu công nghiệp và mạng lưới đường cao tốc, vùng phía Nam tỉnh Đồng Nai có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm logistics của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hội tụ nhiều tiềm năng
Khu vực phía Nam của tỉnh bao gồm huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch và một phần TP Biên Hòa là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu và logistics lớn của khu vực. Lợi thế lớn nhất của khu vực này đó là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang hình thành. Theo quy hoạch giai đoạn 1, sân bay có công suất tiếp nhận 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng. Lợi thế của sân bay này nằm trong vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận, gần các cảng biển.
Lợi thế thứ hai đến từ Cảng Phước An và khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng Phước An đang triển khai xây dựng. Lợi thế của cảng nước sâu này là có nhiều sông lớn giao thoa, gần biển và gần với cảng biển Cát Lái, rất thuận lợi cho giao thương đường thủy. Cảng Phước An đi vào hoạt động sẽ là khu bến chính của cảng Đồng Nai, tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng lên đến 50-60 nghìn tấn. Khu công nghiệp dịch vụ hậu cần Cảng Phước An quy mô gần 550ha với đầy đủ các dịch vụ: Kho hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… sẽ là trợ lực cho ngành dịch vụ cảng. Ngoài ra, khu vực này còn có cảng Gò Dầu và cảng Cái Mép-Thị Vải. So với các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận, vùng tam giác Long Thành-Nhơn Trạch-Biên Hòa có hệ thống đường giao thông vô cùng thuận lợi.
Có thể nói, các đô thị phía Nam của tỉnh là đầu mối giao thông của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đã đi vào hoạt động; Cao tốc Bến Lức-Long Thành phía Nam thi công gần xong; Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang làm các thủ tục triển khai. Ngoài ra đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh liên vùng đang thi công, đường liên cảng liên cảng Phước An-Cái Mép và Cầu cảng Cát Lái dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Đây là những tuyến đường huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng. Tiềm năng của khu vực này còn được cộng hưởng từ hơn 20 khu công nghiệp trên địa bàn trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP Biên Hòa. So với việc vận chuyển hàng hóa đi nơi khác để xuất khẩu, quãng đường đến Sân bay Long Thành hay Cảng biển Phước An là ngắn nhất, giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí vận chuyển. Đây là lợi thế quan trọng để phát triển logistics.
Sẵn sàng đón nhà đầu tư
Để mở ra cơ hội phát triển ngành dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics cho vùng phía Nam, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng và liên vùng, đó là: Đường liên cảng Phú Hữu-Phước Khánh; đường 319 nối dài từ cảng Phước An qua các khu công nghiệp đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; đường nối từ vành đai 3 đến đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành; đường kết nối sân bay với Cao tốc Dầu Dây-Phan Thiết…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng bên cạnh việc phát triển của các khu công nghiệp, các huyện, thị phía Nam còn có nhiều thế lớn và tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu. Trong tương lai, Cảng Phước An, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ trở thành khu kinh tế đối ngoại của tỉnh. Không chỉ đem lại nguồn thu lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu, khu vực này còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, trong đó có dịch vụ, du lịch và các dự án đô thị cảnh quan.
Bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, các huyện chủ động hoàn thiện hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ và logistics. Hiện tại, các huyện trong tỉnh đang ưu tiên đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu. Các tuyến đường này sẽ được triển khai cùng với dự án Sân bay Long Thành và Cảng Phước An. Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, địa phương đang tập trung mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, xây dựng các tuyến đường kết nối Nhơn Trạch với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh, thành lân cận và Sân bay quốc tế Long Thành; quy hoạch sẵn các kho bãi, cảng cạn và bến thủy nội địa; cùng với đó, địa phương thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp chia sẻ, với nhiều tiềm năng, đặc biệt là trung tâm của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, địa phương có nhiều thuận lợi để triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Trong chiến lược phát triển của huyện những năm gần đây, công nghiệp và dịch vụ thương mại là hai ngành mũi nhọn. Do đó, bên cạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại và logistics, huyện sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; đối thoại tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường.