Đồng Nai quy hoạch hệ thống cảng sông và dịch vụ logistics

Đồng Nai là địa phương có một hệ thống cảng sông nhiều lợi thế đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch, nằm trong cụm cảng biển nhóm 5 Đông Nam bộ. Những năm qua, địa phương này đã tận dụng tốt lợi thế này.

Tiềm năng phát triển cảng sông…

Theo bản đồ quy hoạch, TP. Biên Hòa và hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có hệ thống sông, đủ điều kiện để phát triển cảng rất thuận lợi. Cả 3 địa phương này đều là nơi tập trung các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, chính vì vậy, rất cần đến cảng để vận chuyển hàng hóa.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện được quy hoạch 44 cảng tại các tuyến sông: Đồng Nai (9 cảng), Nhà Bè (9 cảng), Lòng Tàu (18 cảng) và Thị Vải (8 cảng). Trong đó, số lượng cảng đã được đầu tư đi vào hoạt động là 21 cảng, cho thấy tiềm năng phát triển cảng ở Đồng Nai là rất lớn.

Đồng Nai cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án dịch vụ logistics tại các khu cụm công nghiệp, cảng sông

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện đã có những nhà đầu tư nước ngoài đến tìm đất để xây dựng cảng với diện tích 100 ha trở lên, đây là những doanh nghiệp chuyên về đầu tư cảng, có kinh nghiệm và tiềm lực, chứng tỏ các doanh nghiệp này đã nhìn thấy lợi thế rất lớn của việc phát triển cảng ở Đồng Nai.

Có thể thấy, nhu cầu cho xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở địa phương này là rất nhiều, đặc biệt chỉ riêng huyện Long Thành, Nhơn Trạch là thị trường lớn cho các cảng. Tới đây, khi san bay quốc tế Long Thành đi vào triển khai và hoạt động, nhu cầu vận tải sẽ tăng đột biến…

Là địa phương đứng thứ 3 trong khu vực về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm nhưng so với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa -Vũng Tàu, hệ thống cảng biển, cảng cạn ở Đồng Nai vẫn còn khiêm tốn, phát triển chưa theo kịp nhu cầu. Theo thống kê, khu vực Đông Nam bộ chiếm 61% sản lượng hàng container cả nước, trong đó TP .Hồ Chí Minh chiếm 76%, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 19%, còn Đồng Nai chỉ chiếm 4,3%. Hàng hóa xuất nhập khẩu phần lớn được làm thủ tục ở TP. Hồ Chí Minh khiến giao thông ngày càng tắc nghẽn, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai vẫn phải lên các cảng ở TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục thông quan nên giá thành vận chuyển tăng cao.

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn rà soát lại quy hoạch cảng và cần thiết thì điều chỉnh cho phù hợp với hiện tại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo đánh giá lại năng lực của các chủ đầu tư, đồng thời xem xét các dự án xăng dầu và có số liệu đánh giá theo nhu cầu thực tế, nhất là tính toán đến quy hoạch khu xây dựng kho xăng dầu cung cấp cho sân bay Long Thành sau này.

Việc đầu tư cảng xăng dầu phục vụ cho sân bay Long Thành sẽ là cần thiết trong tương lai. Bởi không ở đâu thuận tiện xây dựng cảng xăng dầu hơn ở Long Thành, Nhơn Trạch, bởi cự ly vận chuyển từ cảng về sân bay khá ngắn, có thể sử dụng được cả bằng đường ống. Về đầu tư loại cảng xăng dầu chuyên dụng này, hiện cả nước chỉ có vài doanh nghiệp có thể thực hiện được.

…và hướng đến dịch vụ logistics hiện đại

Liên quan đến quy hoạch, xây dựng mới hệ thống trung tâm logistics của tỉnh Đồng Nai, tỉnh này cũng đang hướng đến việc xây dựng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại, làm nền tảng phát triển hệ thống dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,

Theo quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, Đồng Nai sẽ phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu của Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp.

Theo đó, tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20% - 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10% - 15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%.

Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 40% - 50% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics của tỉnh; còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics truyền thống đảm nhận 50% - 60%. Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 20% - 25%.

Trong đó, tỉnh Đồng Nai xác định tập trung phát triển hạ tầng logistics gồm trung tâm logistics đơn cấp vùng, các trung tâm logistics cấp tỉnh và trung tâm dịch vụ hỗ trợ các ngành theo quy hoạch công nghiệp - thương mại - dịch vụ; hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối vật lý hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, trạm chuyển tải đa phương thức.

Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối các dịch vụ tại trung tâm logistics tỉnh Đồng Nai với các cảng biển, cảng hàng không quốc gia và quốc tế, ga đường sắt và các đầu mối giao thông vận tải đường bộ.v.v…Tổ chức kết nối chặt chẽ với các cảng cạn nội địa (ICD) để kết hợp với cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn, sẵn sàng đón nhận các chuỗi cung ứng hàng hóa đường biển từ Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương di chuyển về cảng biển Vũng Tàu.

Theo quyết định duyệt quy hoạch phát triển logistics trên địa bàn vừa được phê duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã xác định xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng tại khu vực tổng kho trung chuyển Trảng Bom (huyện Trảng Bom).

Theo đánh giá, tổng kho trung chuyển Trảng Bom chỉ cách trung tâm thành phố Biên Hòa 18,5 km, có ga hàng hóa Trảng Bom quy hoạch nằm ngay sát ranh giới; cách Sân bay Quốc tế Long Thành quy hoạch 36,5 km, Sân bay Biên Hòa hiện hữu 20 km, cách cảng Đồng Nai 19,5 km và cảng Cái Mép - Thị Vải 63,7 km.

Ngoài ra, trong vòng bán kính 40 km, trung tâm logistics Đồng Nai có khả năng để phục vụ các khu công nghiệp với tổng diện tích 6.000 ha. Trong vòng bán kính 100 km trung tâm có khả năng phục vụ các khu công nghiệp với diện tích 12.000 ha của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An. Trung tâm logistics Đồng Nai còn là địa điểm quá cảnh cho hàng hóa từ Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào qua đường bộ tới cảng biển và ngược lại.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Đồng Nai cho biết, trước mắt giai đoạn từ nay đến 2020, Đồng Nai sẽ quy hoạch và xây dựng các trung tâm ICD tại Tân cảng Nhơn Trạch, ICD Tân cảng Long Bình, ICD Công ty CP Dịch vụ cảng Đồng Nai. Từ năm 2021 -2030 sẽ xây dựng ICD cảng Phước An, ICD Thái Bình Shoes Tân Vạn và ICD cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ngay trong năm 2017 tỉnh Đồng Nai sẽ vận động các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu và công ty logistics trên địa bàn tổ chức các liên kết kinh doanh với các nhà khai thác các cảng cạn, tổng kho và các nhà cung cấp dịch vụ quản lý vận tải tạo nên một chuỗi dịch vụ hỗ trợ chủ hàng trong vận chuyển và tồn trữ, phân phối sản phẩm.

Tiến hành các hoạt động xúc tiến kêu gọi các nhà kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu lớn nghiên cứu giải pháp tổ chức giao nhận hàng hóa tại các cảng và hệ thống các trung tâm logistics Đồng Nai để triển khai từ bây giờ.

Theo dangcongsan.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2