Doanh nghiệp và chính quyền cùng liên kết phát triển logistics

Để thúc đẩy phát triển logistics, Hải Phòng sẽ điều chỉnh lại quy quy hoạch logistics cấp vùng và quốc tế thay cho quy hoạch cấp quốc gia là đề xuất của ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 45-NQTW về phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng ”do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức ngày 23/4, tại TP Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ thẳng thắn nhìn nhận, dù dịch vụ logistics tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước song “kết quả hoạt động logistics chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố, chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ”.

Chia sẻ nhận định của lãnh đạo Hải Phòng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, Hải Phòng từng được xem là “cái nôi” của logistics Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp tại Hải Phòng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp có trụ sở chính Hà Nội, TP.HCM.

Ông Lộc cũng phân tích, việc hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp “đông nhưng không mạnh”, phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập”.

 

 

"Hải Phòng phát triển không phải vì Hải Phòng mà vì cả khu vực của cả nước. Cần chung tay để mở ra cơ hội vươn tới nâng cao năng lực và thế giới sẽ đổ về đây, để chúng ta sẽ có chiếc bánh to hơn, mỗi người sẽ có một phần lớn hơn” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.

Những giải pháp để Hải Phòng phát triển hơn nữa dịch vụ logistics cho đúng vị thế là một động lực tăng trưởng của thành phố cảng được Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải nhấn mạnh tại diễn đàn. Theo đó, thành phố sẽ ưu tiên cho việc tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, hạ tầng thông tin đồng bộ hiện đại; quản lý và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển logictics thành phố, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ phát triển 6 trung tâm logistics, diện tích 261ha.

Cùng đó, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư FDI và doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện phát triển công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu qua đó tạo nguồn hàng tại chỗ, liên kết đầu vào, đầu ra hàng hoá cũng như phục vụ sửa chữa, sản xuất các trang thiết bị... phục vụ cho hoạt động logistics.

Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ “tiếp tục tham mưu cho thành phố nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do để kêu gọi các tập đoàn chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu phố chuỗi cung ứng toàn cầu về thành phố, khai thác lợi thế của Cảng quốc tế Hải Phòng” - ông Hải nói.

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương - cho rằng, cứ như chủ đề của diễn đàn cho thấy tại Hải Phòng hiện các doanh nghiệp đang tìm cách liên kết thông qua thành lập hiệp hội logistics. Đây là biện pháp tốt để các doanh nghiệp có một mái nhà chung để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong từng hoạt động.

Tiếp theo là yếu tố nhân lực bởi tất cả các yếu tố như công nghệ, vốn, hạ tầng… dần dần chúng ta có thể khắc phục nhưng thiếu con người thì tất cả các yếu tố trên đều chậm phát huy.

“Do đó, cần xác định rõ vị trí của logistics trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của thành phố và quyết liệt triển khai để tạo đột phá. Chú trọng vào nâng cao giá trị gia tăng cho dịch vụ logistics. Khẩn trương triển khai khu thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp logistics Hải Phòng lớn nhanh hơn” - ông Trần Thanh Hải đề xuất.

Từ góc độ doanh nghiệp lên tiếng, ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - nhìn nhận, không riêng Hải Phòng mà hiện ở Việt Nam, các loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp phổ biến là những dịch vụ cơ bản phổ biến như thủ tục hải quan, giao nhận, vận tải nội địa và quốc tế, kho bãi. Tỷ lệ cung cấp các loại hình có giá trị gia tăng cao còn thấp.

Cụ thể, có nhiều cảng nhưng các cảng đang trong quá trình container hóa, chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại, còn thiếu kinh nghiệm trong điều hành xêp dỡ container.

Bởi vậy, một giải pháp được xem như cần kíp và trong tầm tay là sớm ra đời Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Hải Phòng để nâng cao năng lực và quy mô của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của thành phố trở thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL thông qua việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước (vận tải, cảng biển...) với nhau và với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Với quan điểm Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics. để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, theo ông Khoa, thành phố có những khuyến nghị với Chính phủ cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ...). Cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa.

Ý kiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong mối liên kết nhiều chiều giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để thúc đẩy phát triển logistics Hải Phòng đều cần “gỡ” cho ra 3 điểm nghẽn. Thứ nhất là kết nối vận tải đa phương thức. Tiếp theo là vấn đề hạ tầng logistics và cuối cùng là chi phí logistics. Và nếu được nữa thì đó chính là vấn đề nhân lực cho phát triển dịch vụ logistics.

Vấn đề nhân lực được nhiều đại diện doanh nghiệp lưu tâm. Ông Đan Đức Hiệp - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - mô tả, đây chính là một cái “nút” của mọi cái “nút” trong phát triển logistics vì ông từng chứng kiến có đến hàng nghìn doanh nghiệp trong giấy phép kinh doanh có ghi cả loại hình dịch vụ này nhưng trên thực tế, theo ông Hiệp, “có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự hoạt động lĩnh vực này, những doanh nghiệp hiểu đúng hiểu đồng bộ về dịch vụ này chắc còn ít hơn nữa”.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, do quy hoạch của cảng biển và các cơ sở logistics như bến bãi, nhà kho chưa được đồng bộ; hàng trăm doanh nghiệp hoạt động nhưng đơn lẻ, chưa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ ngành logistics đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp "đông nhưng không mạnh", phát triển manh mún thiếu quy hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

Cùng đó, nhiều khi giá thu được từ các hãng tàu của nước ngoài hoặc các dịch vụ cạnh tranh có giá thấp nên cũng làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khai thác cảng cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Hơn nữa, các đường kết nối với cảng như: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ vẫn còn điểm "tắc nghẽn", chưa đạt đồng bộ với xu thế phát triển cảng tới đây.

“Nếu liên kết được với nhau, chúng ta sẽ tối ưu hóa được chi phí, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, cung cấp dịch vụ chọn gói, khai thác tối đa nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, cả cộng đồng logistics, của Việt Nam nói chung và sẽ tăng thêm nguồn và lượng hàng hóa xếp dỡ”, ông Cao Hồng Phong - Giám đốc Công ty Cảng Nam Hải Đình Vũ – Gemadept nhìn nhận.

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2