Hẹp hơn, từ một góc nhìn: vấn đề vận tải xuyên biên giới bằng đường bộ với các quốc gia nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc và cấp thiết như trong thời điểm này; nếu tập trung hợp tác và giải quyết tốt vấn đề này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp logistics nói riêng và cho cả nền kinh tế. Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với các nước láng giềng thông qua nhiều hội nghị về vận tải xuyên biên giới như giữa Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, và các cuộc gặp gỡ, xúc tiến các hoạt động vận tải trên toàn tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Nền kinh tế đất nước đang chủ động hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới thông qua nhiều sự kiện kinh tế lớn như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà; hay bước đầu thực hiện các thỏa thuận về phát triển kinh tế của Cộng đồng kinh tế Asian (AEC); cũng như việc tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA)… Thách thức đến từ hội nhập là có, nhưng cơ hội cho phát triển đi lên của nền kinh tế là rất lớn
Để nắm bắt tốt những cơ hội và ứng phó kịp thời với những thách thức, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề không thể đứng riêng lẻ với những tập quán kinh doanh hạn hẹp, cục bộ, mà phải có sự liên kết, tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Trong nhịp điệu phát triển chung đó, các Bộ ngành của Chính phủ trong phạm vi quản trị của mình phải tích cực tạo ra các chính sách đúng đắn, tạo môi trường và làm bàn đỡ cho doanh nghiệp phát triển.
Quốc gia cường thịnh là khi doanh nghiệp trở thành nội lực của nền kinh tế.
Tổng Biên tập
TS. Lê Văn Hỷ