Quá nhiều rào cản
Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng từ 15-16%/năm. Năm 2014, Ngân hàng thế giới (WB) xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của DN Việt Nam ở mức 53 và năm 2016 là 64/160 nước. Chỉ số LPI của Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái-lan.
Với khoảng 1.300 – 1.500 DN đang hoạt động mạnh, chiếm khoảng 80% số DN trong ngành, các DN dịch vụ logistics Việt Nam đang cung cấp chủ yếu các dịch vụ nội địa như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại. Một số công ty đã thực hiện các dịch vụ logistics tích hợp (3PL) như Transimex Saigon, Gemadept, Tân Cảng Saigon... cung cấp dịch vụ ngang ngửa với các công ty xuyên quốc gia đang cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng DN loại này chưa nhiều.
Dù có số lượng DN logistics chiếm đa số nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài những DN thực sự lớn, sức cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam còn hạn chế do chi phí cao. Chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện chiếm gần 25% GDP, trong khi chi phí này ở Mỹ chiếm 9,5% GDP, Nhật Bản là 11% GDP, Hàn Quốc 16%, Trung Quốc 21,6%; Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hoặc ngược lại (khoảng 100 km) đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA lý giải, mức chi phí cao so với các DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, là do DN logistics Việt Nam còn hạn chế về quy mô DN và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế. DN logistics và DN XNK lại chưa có sự gắn bó đầy đủ. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó do thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Chưa kể, DN XNK vẫn chủ yếu chuộng phương thức “mua CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) bán FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất)”, làm giảm cầu trên thị trường và đẩy thị trường sang bạn hàng ngoại.
Về phía DN logistics, bà Nguyễn Thị Thùy Dương – Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật cho biết, chi phí của DN tăng cao có một phần nguyên nhân do mức phí mà DN phải trả cho các loại phí ở Việt Nam ở mức cao. Chưa kể, phát triển ngành dịch vụ logistics đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên đây lại là khó khăn lớn nhất của DN.
Đơn cử, DN logistics đang thực hiện dịch vụ thay mặt DN xuất nhập khẩu để kê khai hải quan, làm tất cả các thủ tục chuyển giao hàng hóa lên xuống tàu. Do đó, việc Hải Phòng thu phí kết cấu hạ tầng cửa khẩu cảng biển ở mức quá cao từ tháng 1/2017 đã làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dịch vụ logistics. Thí dụ, các DN làm dịch vụ vận tải, cho khoảng 4.500 container 40 feet/tháng, sẽ mất 2,25 tỷ đồng chi phí. Số tiền này không lấy được của DN xuất nhập khẩu ngay lập tức mà phải chờ hết tháng hoặc hết quý mới quyết toán được. Việc đọng vốn, lãi ngân hàng cao khiến DN logistics gặp không ít khó khăn. Chưa kể, hiện nay nhân lực của ngành logistics rất yếu về cả kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Hầu hết DN phải đào tạo lại nhân lực khi tuyển dụng về đơn vị mình.
Ba hỗ trợ nâng chất lượng
Với những khó khăn kể trên, bên cạnh việc DN phải nỗ lực tiết giảm chi phí, cần thêm các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia – Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp như tăng cường đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi thương mại, tiết giảm thời gian và chi phí lưu thông cho DN.
Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thùy Dương kiến nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển triển dịch vụ logistics, cần đặc biệt quan tâm đến ba nhóm giải pháp: phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách. Theo đó, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp các DN ngành logistics Việt Nam sẽ theo kịp mặt bằng của khu vực và có thể cạnh tranh song phẳng với các DN logistics trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với thể chế chính sách, cần phải đồng bộ hóa cơ chế để có những chi phí tiết kiệm nhất trong mặt hỗ trợ XNK. Hiện tại các quy định của chúng ta tương đối chồng chéo và các cơ quan bộ ngành chưa có một kênh thông tin chung cho từng đối tượng XNK hàng hóa cụ thể dẫn đến chi phí bị tăng cao.
“Về cơ sở hạ tầng, ta đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng hiện nay vấn đề kẹt cảng, kẹt trên cao tốc và các khu công nghiệp khu chế xuất tương đối phổ biến. Nếu không cải thiện được thì chi phí logistics của chúng ta vẫn ở vị trí cao so với khu vực” – bà Dương nhấn mạnh.
Cho rằng cần có thêm một cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, Hiệp hội VLA mới đây đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực logistics, có thể là một Cục/Vụ tại một Bộ. Đồng thời, vì logistics có mục đích là gia tăng giá trị thương mại, nên tạo điều kiện cho đại diện của DN tham gia vào quá trình quản lý hoạt động logistics. Qua đó sẽ tăng cường việc quản lý ngành dịch vụ logistics, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thương mại. Bên cạnh đó, tích cực giảm tối đa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tránh trường hợp quá nhiều bộ, ngành cùng quản lý một vấn đề, khiến DN tốn kém thời gian và chi phí.
Tổng giá trị ngành logistics Việt Nam hiện tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, lớn hơn nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
nhandan.com.vn