Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.
Nhìn lại Nhiệm kỳ VII, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - cho biết: "Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngành logistics nước ta. Hầu hết các hội viên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng, các hội viên VLA đã thể hiện sự chống đỡ và thích ứng tốt với đại dịch để khôi phục và phát triển hoạt động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước."
Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14-16%. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương về vai trò của ngành logistics đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Tuy vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra những điểm yếu còn tồn tại của ngành logistics Việt Nam như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp... Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị VLA tiếp tục phát huy vài trò là Hiệp hội quốc gia của các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Đồng thời, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp…Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã biểu dương những thành tựu của hiệp hội: “Sự tham gia, góp ý của hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.”
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang đang có chuyển biến nhanh và phức tạp, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản từ các vùng có dịch sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu, ảnh hưởng lớn đến nông dân và doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang - nơi có số ca nhiễm nhiều và tiếp tục tăng nhanh, hiện đang có 44.000 tấn thịt lợn; 10.000 tấn thịt gia cầm; gần 17.000 tấn thủy sản, 20.000 tấn rau các loại; 15.000 tấn dứa; 180.000 tấn vải thiều đã vào vụ thu hoạch; 20.000 tấn nhãn; 15.000 tấn na cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8 và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo... Các sản phẩm nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị: "Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân các địa phương có dịch, trước tiên là Bắc Giang".