Doanh nghiệp kêu, Hải Phòng vẫn quyết thu phí cảng biển

Theo quận Hải An (TP Hải Phòng), nếu các doanh nghiệp không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo luật định.

Cưỡng chế nếu không nộp phí

Chủ tịch UBND quận Hải An, TP Hải Phòng vừa ký thông báo số 1.088 gửi cộng đồng doanh nghiệp (DN) Hải Phòng về việc thu phí hạ tầng cảng biển. Theo thông báo được phát đi ngày 21/8, quận Hải An yêu cầu các DN có lô hàng đã xuất, nhập khẩu (XNK) qua các cảng của Hải Phòng từ 1/1/2017 đến nay chưa nộp phí phải nộp trước 15/9/2017. Sau ngày này, lãnh đạo quận sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí theo quy định của Chính phủ. Nếu DN không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo luật định.

Cũng theo thông báo, từ ngày 21/8/2017, cơ quan hải quan và DN kinh doanh cảng, kho bãi của Hải Phòng sẽ dừng cho hàng hóa XNK ra vào cảng biển nếu DN chưa chấp hành nghĩa vụ nộp phí. Quận Hải An sẽ thông báo danh sách các lô hàng này để hải quan và DN kinh doanh cảng, kho bãi thực hiện.

Theo giải thích của lãnh đạo quận Hải An, quận là đơn vị được TP Hải Phòng giao triển khai, tổ chức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (gọi tắt phí hạ tầng cảng biển). Tại quyết định số 1637 tháng 6/2017, UBND TP Hải Phòng đã ban hành quy chế thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng. Trong quá trình triển khai thu phí, hầu hết DN chấp hành, tuy nhiên vẫn còn một số DN cố tình “chây ỳ”, chưa nộp theo quy định.

Doanh nghiệp đề nghị đối thoại công khai

Trước đó, vấn đề thu phí đối với hạ tầng cảng biển, hạ tầng tiện ích công cộng tại các cảng biển của TP Hải Phòng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các DN tại địa phương này cũng như cộng đồng DN xuất nhập khẩu (XNK) phía Bắc và các hiệp hội trên cả nước (như: Hiệp hội Bông sợi, Dệt may, Da giày, Thủy sản, Logistic).

Vào tháng 2/2017, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phát đi yêu cầu đối với Hải quan Hải Phòng dừng ngay và không được bắt DN phải trình các giấy tờ ngoài chuyên ngành hải quan, trong đó có giấy tờ nộp phí hạ tầng cảng biển để thông quan hàng hóa theo đề nghị của quận Hải An. Tổng cục Hải quan cho rằng, yêu cầu trên của Hải quan Hải Phòng là không đúng quy định pháp luật.

Ngày 16/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5036 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề phí hạ tầng cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng xem xét các kiến nghị của DN, báo cáo HĐND thành phố trong kì họp sớm nhất, để điều chỉnh mức thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Mặc dù quan điểm của Tổng cục Hải quan và phía Văn phòng Chính phủ đã rõ ràng, nhưng rốt cục, thành phố Hải Phòng vẫn ra nghị quyết thu phí hạ tầng cảng biển. Theo tính toán của UBND TP Hải Phòng, nếu tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2017 ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn thì ngân sách của địa phương này sẽ có thêm 1.500 tỷ đồng từ việc thu loại phí mới này.

Một thành viên trong ban tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho PV Tiền Phong hay, trên thực tế, kể từ khi quyết định thu phí được áp dụng, UBND TP Hải Phòng chưa tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại công khai nào với các hiệp hội doanh nghiệp. Do đó, 6 tháng đầu năm 2017, Hải Phòng đã thu tổng số phí hạ tầng cảng biển lên tới con số nghìn tỷ đồng. “Các DN đang phải gồng mình gánh đủ loại phí, nay thêm phí này gây ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh, cơ hội kinh doanh của DN”, vị này nói đồng thời cho biết thêm, hiện VPSF và các hiệp hội đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức một cuộc đối thoại công - tư công khai, minh bạch để xem xét lại mức phí sao cho thấu, phù hợp quy định của pháp luật cũng như giảm gánh nặng cho DN.

Báo mới

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2