Đã có gần 30 doanh nghiệp và các trường đại học cùng nhau ký cam kết phối hợp đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cho lĩnh vực logistics. Mỗi năm, lĩnh vực này cần từ 20.000-25.000 nhân lực được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 5%.
Là một trong những trường đại học đầu tiên đào tạo về logistics nhưng Đại học Công nghệ GTVT cũng mới chỉ đào tạo được khoảng 100 sinh viên cho chuyên ngành này mỗi năm. Đại diện đơn vị này cho biết thay vì cứ đào tạo đủ thời gian và lý thuyết, nhà trường sẽ đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên khi ra trường.
Với đặc thù là lĩnh vực có nhiều công đoạn như vận tải, kho bãi, dịch vụ khách hàng…, sinh viên khó có thể thực hành ngay. Do đó, phương pháp đào tạo được các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp xây dựng là dựa trên công nghệ.
Các doanh nghiệp logistics cho rằng, liên kết với các trường học sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí khi nhân lực mới có thể làm việc được ngay thay vì phải mất vài tháng để thực hành.
Trong 5 năm tới, lĩnh vực logistics sẽ cần khoảng 200.000 nhân sự. Việc gắn kết giữa doanh nghiệp và trường học được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thay vì chưa tới 40% như hiện nay.
Theo vtv