Nghiên cứu này khám phá các quan điểm lý thuyết chính, bài học kinh nghiệm có liên quan đến hiệu quả hoạt động của logistics trên thế giới để lấp đầy khe hở cho các nghiên cứu trong nước về logistics tại Việt Nam. Mục tiêu hướng đến của nghiên cứu này là nêu bật sự cần thiết về định hướng xây dựng một chuỗi logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, đặc biệt với mặt hàng nông sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Các bài báo nghiên cứu trong cơ sở dữ liệu ScienceDirect, Google Scholar từ năm 2000 đến năm 2019 với các lĩnh vực liên quan được thu thập bằng cách sử dụng các từ khóa liên quan như APSC, C3PL, LC, LO. Dựa trên đánh giá có hệ thống của chúng tôi, nghiên cứu này đã tóm tắt các xu hướng nghiên cứu hiện tại trong các lĩnh vực liên quan đến logistics thuê ngoài, cùng với những phát hiện quan trọng có thể được áp dụng giúp hình thành tổng quan khái niệm về chuỗi logistics đối với nông sản tại ĐBSCL.
Theo nhóm tác giả, thuê ngoài logistics (Outsourcing Logistics - OL) ngày càng trở nên phổ biến trong các công ty (chủ hàng), đặc biệt là các công ty định hướng xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ logistics (Logistics Service Provider - LSP) đa phần là công ty nhỏ và hoạt động rời rạc. Để phát huy các lợi ích của dịch vụ thuê ngoài thì cần có giải pháp đồng bộ mà đầu tiên chính là xây dựng hoàn thiện một mạng lưới chuỗi dịch vụ logistics. ĐBSCL với lợi thế về hàng nông sản xuất khẩu với giá trị lớn.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản xuất khẩu còn thấp do chi phí phát sinh rất cao, đặc biệt là chi phí liên quan đến logistics. Với mong muốn phát triển hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics đối với hàng nông sản giúp nâng cao giá trị gia tăng và định hướng phát triển bền vững cho mặt hàng nông sản tại ĐBSCL, nghiên cứu này trình bày nội dung lược khảo tổng quan về hoạt động LO/Logistics bên thứ ba (3PL) đối với mặt hàng nông sản tập trung vào mục đích hướng đến hoạt động chuỗi dịch vụ logistcs tại khu vực ĐBSCL.
Bài đã trình bày tổng quan về hoạt động logistics thuê ngoài và hiệu quả của hoạt động này mang lại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt nam và trên thế giới. Nghiên cứu có một số đóng góp cho định hướng phát triển hệ thống logistics tại Việt nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Thông qua bài báo, nhóm tác giả mong muốn việc xây dựng một chuỗi logistics hàng nông sản tại khu vực ĐBSCL trở nên thực tế hơn vì tính cấp thiết và hiệu quả có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn từ các lập luận của nhóm tác giả tham gia nghiên cứu và thực hiện bài báo. Kết quả từ bài báo sẽ tạo ra nền tảng cho các nghiên cứu về chuỗi logistics hàng nông sản trong tương lai.