Thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn là rào cản lớn với doanh nghiệp logistics (Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn |
Bỏ cuộc vì chính sách đất đai
Tại Hội thảo Về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics tổ chức ngày 29/10, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho biết, nhân dịp nhận được lời mời tham luận tại một hội thảo ở nước ngoài, ông đã đến thăm một trung tâm xử lý đơn hàng online với công suất 300 đơn/ngày, gồm từ khâu nhận đơn, xử lý, phân hàng, giao hàng... Trung tâm này cần diện tích 3.000m2 và một kho hàng 7.000 m2. Như vậy, một đơn hàng cần 1m2 đất (nằm trong nội thành). Do đó, ông Nghĩa cho rằng, khả năng tiếp cận đất đai chính là vấn đề quan trọng và cần thiết nhất với doanh nghiệp logistics hiện nay.
Liên hệ với doanh nghiệp của mình, ông Nghĩa cho biết, năm 2015, công ty đã đầu tư khu đất tại KCN cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho dự án 3 triệu USD, giá đất khi đó là 20 tỷ đồng/ha nhưng sau khi có giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh vướng ở khâu đất đai. Đất trên không được coi là tài sản của doanh nghiệp, không được mang đi thế chấp để vay vốn. Vì thế, Delta đành phải bỏ dự án. “Nếu dự án thành công thì quy mô chúng tôi không như hiện nay”, ông Nghĩa nói và cho biết, với hơn 100 đầu xe, hơn 100 sơ-mi rơ-moóc vẫn “lông nhông”, công ty không “tấc đất cắm dùi”. Doanh nghiệp phải đi thuê đất ngắn hạn nhưng chi phí lại cao và cũng không dám đầu tư sâu cho hạ tầng vì sợ bị chấm dứt hợp đồng giữa chừng nên cứ “luẩn quẩn loanh quanh”.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện tại các TP đang có quỹ đất lớn do các KCN, cụm công nghiệp nằm trong nội đô đang phải di dời vì vấn đề môi trường nên sẽ tạo ra các khu đất trống và đang có xu hướng chuyển đổi thành đất ở do lợi ích lớn. Nhưng nếu dành cho logistics một phần quỹ đất ấy sẽ mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế.
Thách thức nằm ở cơ quan Nhà nước?
Chia sẻ phần nào thắc mắc của ông Nghĩa, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng: Muốn bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai sẽ khó bởi không biết khi sửa xong Luật có thành sản phẩm kém hơn hay không. “Tôi vẫn hay nói bây giờ không phải kiến nghị mà phải đòi hỏi thay đổi và phải áp dụng khoa học công nghệ”, ông Cung nói và nhấn mạnh, cơ quan Nhà nước nếu không thay đổi sẽ là một rào cản lớn.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) dẫn chứng, kết nối thông tin một cửa quốc gia vẫn còn “vô cùng hình thức”. “Kết nối đã được thực hiện nhưng nay có 68 thủ tục thì hầu hết vừa online vừa nộp bản giấy nên doanh nghiệp không mặn mà trừ thủ tục khai báo”, bà Thảo nói và dẫn chứng: Thủ tục kiểm dịch thực vật hiện doanh nghiệp vẫn thực hiện một phần online, một phần phải có bản giấy. Hệ thống cổng thông tin điện tử các bộ cũng khác nhau, ngay cả cổng thông tin hải quan cũng chưa kết nối cổng một cửa quốc gia nên doanh nghiệp vẫn phải cầm bản giấy lên nộp cho cơ quan Hải quan…
Chính vì thực trạng trên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, áp dụng CNTT không phải ở vấn đề vốn, chi phí hay ở ngành nghề mà đó là tư duy lĩnh vực cần đổi mới. “Doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng vì lợi ích của họ, nhưng cơ quan Nhà nước áp dụng thì mất quyền và mất lợi nên họ không muốn”, ông Cung chỉ rõ và cho rằng, muốn thay đổi hiện trạng logistics hiện nay, thách thức đang nằm ở cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, với thị trường logistics quốc tế, 3 doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm lĩnh tới 80% thị phần nhưng còn logistics nội địa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh. Ông Nghĩa cho rằng, cần cởi trói để các doanh nghiệp và ngành logistics phát triển. Còn nếu không sẽ rơi vào tình trạng doanh nghiệp ngoại sẽ thống lĩnh luôn thị phần logistics nội địa.
Nguồn: bagiaothong