Dịch vụ logistics - “mỏ vàng” chờ khai thác

Với vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và đầu tàu của khu vực phía Bắc nói riêng, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một mạng lưới dịch vụ logistic phát triển mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, đây chính là một “mỏ vàng” đang chờ Hà Nội khai thác.

Tiềm năng quá lớn
Hà Nội có vị trí đắc địa, nằm giữa khu vực giao thương của vùng biển Đông Bắc, vùng núi phía Bắc; là cửa ngõ kết nối Việt Nam với các nước khu vực và thế giới. TP cũng có hệ thống giao thông hoàn chỉnh với cả đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Hiện nay, Hà Nội đã có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định, thu hút trên 600 dự án đầu tư, với giá trị doanh thu sản xuất công nghiệp đạt bình quân trên 6 tỷ USD/năm; xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, Hà Nội đang xây dựng, phát triển 89 cụm công nghiệp, phân bố đều khắp trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức...
Các khu, cụm công nghiệp là nơi tập trung cơ sở sản xuất, kinh doanh của khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ logistics; là nơi tạo nên luồng hàng hóa quy mô lớn phục vụ xuất khẩu nên đã được bố trí tại các cửa ngõ TP, thuận tiện cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.
Không chỉ công nghiệp, Hà Nội còn phát triển nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tất cả lĩnh vực này đều cần đến logistic như một bệ phóng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tiến sĩ kinh tế vận tải Nguyễn Văn Công nhận định, cùng với sự phát triển của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa, giá cả… ngày càng thu hẹp.
Các nhà sản xuất, xuất khẩu đã chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm thiểu chi phí của quá trình lưu chuyển hàng trong hệ thống quản lý phân phối. Vì vậy, logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển trở thành ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối của nền kinh tế.
Mặt khác, trong quy hoạch mới, Hà Nội được định hướng tập trung vào các ngành công nghệ cao bao gồm công nghệ thông tin, phần mềm, trung tâm dữ liệu, tự động hóa... Lĩnh vực kho bãi cũng là một lợi thế của Thủ đô khi được tập trung thành cụm ở xung quanh TP với quỹ đất lớn, giá rẻ và được kết nối tốt với các trung tâm công nghiệp phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...
Có thể thấy, vai trò của logistics là vô vùng quan trọng, vừa thúc đẩy giao thương hàng hóa, vừa tạo nên sức mạnh cho các DN của Hà Nội trong bối cảnh thị trường ngày càng năng động, cạnh tranh khốc liệt. “Hà Nội hiện nay đã hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi để xây dựng, phát triển mạng lưới logistics hiện đại, đủ sức cung ứng và phụ trợ cho tất cả lĩnh vực kinh tế của TP” - TS Nguyễn Văn Công đánh giá.
Nhiều việc cần làm
Nhận thấy tiềm năng rất lớn xây dựng mạng lưới dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy toàn diện nền kinh tế, năm 2018, UBND TP Hà Nội đã thông qua Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025”. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ có hai trung tâm logistics lớn.
Tại cửa ngõ phía Bắc dự kiến hình thành Trung tâm logistics hạng I quy mô 50ha để kết nối, trung chuyển hàng hóa đi các khu vực khác (bằng đường không, đường bộ). Tại cửa ngõ phía Nam dự kiến hình thành Trung tâm logistics hạng II quy mô 22ha để hỗ trợ lưu thông hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp phía Nam Hà Nội.
Hà Nội hiện có khoảng 3.974km đường bộ; 90km đường sắt với 5 ga chính: Hàng Cỏ, Giáp Bát, Văn Điển, Gia Lâm và Yên Viên. TP còn có hệ thống sông với các sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, Sông Đáy, sông Tích...; các tuyến sông do T.Ư quản lý dài 188km. TP cũng có 9 cảng sông có hệ thống kho bãi và công trình phụ trợ, gồm Khuyến Lương, Thanh Trì, Chèm, Phù Đổng, Đức Giang…; 17 bến thủy nội địa, 58 bến khách ngang sông.
Ngoài ra, Hà Nội còn có cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài đang trong quá trình mở rộng quy mô. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng: “Đây là “vốn liếng” chính để Hà Nội tạo dựng mạng lưới logistics phát triển. Tuy nhiên, việc kết nối vận tải đa phương thức giữa các loại hình vận tải vẫn chưa hiệu quả. Nói cách khác, mạng lưới logistics của TP vẫn còn rời rạc, chưa định hình cụ thể”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội có đầy đủ các điều kiện, cả về chính sách, hạ tầng, nhân lực… Việc cần làm bây giờ là có “kịch bản” chi tiết để phát triển logistics. Đối với hạ tầng và các loại hình vận tải phải có sự liên kết chặt chẽ, nhân lực phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Quan trọng hơn nữa là các chính sách thu hút đầu tư, quản lý lĩnh vực logistics phải tối giản và hấp dẫn được các DN.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao các sở, ngành chủ trì, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các DN cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn TP cũng như trong cả nước và quốc tế. Tạo điều kiện phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề liên quan đến dịch vụ logistics. Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các DN logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại Hà Nội nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của toàn bộ khu vực miền Bắc.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần tận dụng triệt để các thành tựu của khoa học hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý dịch vụ logistics, vừa giảm thiểu chi phí đầu tư, vừa tăng cường tối đa hiệu quả kinh tế.
Dịch vụ logistics đang ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của mọi quốc gia. Gia tăng thương mại quốc tế là cơ hội để mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực, là điều kiện thuận lợi để logistics Hà Nội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, với triển vọng phát triển và tốc độ tăng trưởng của ngành logistics khá cao, ở mức 20%/năm và được dự báo sẽ duy trì được trong 5 - 10 năm tiếp theo. Với tiềm năng và điều kiện vốn có, không ngoa khi nói Hà Nội đang có một “mỏ vàng” logistic chờ khai thác.
Nguồn: kinhtedothi.vn
MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2