Chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam đang quá cao
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 29 công ty logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện logistics (LPI) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố định kỳ 2 năm/lần, giai đoạn 2007-2012, chỉ số LPI của Việt Nam ở vị trí 53/155 quốc gia. Năm 2014, chỉ số này tăng lên vị trí 48/160 quốc gia, xếp hạng thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên đến năm 2016, chỉ số LPI của Việt Nam đã giảm 16 bậc, tụt xuống vị trí 64/160 quốc gia nghiên cứu xếp hạng, dù vẫn đứng trong top 4 ASEAN. Nguyên do của sự tụt hạng này là bởi ba chỉ số: kết cấu hạ tầng, năng lực dịch vụ logistics và khả năng kết nối thông tin đều giảm sâu.
Mặc dù được đánh giá là một trong những ngành dịch vụ có sự tăng trưởng đều với tốc độ phát triển bình quân 16-20%/năm, song Viện nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng, chi phí logistics quá cao đang cản trở sự cạnh tranh của chuỗi giá trị hàng hóa Việt Nam so với các nước. Năm 2014, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam tương đương khoảng 21% GDP, trong khi chi phí này ở các nước phát triển chỉ chiếm 10-14%.
Theo số liệu của WB, chi phí logistics của Việt Nam ước tính khoảng 25% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với tỷ trọng 19% của Thái Lan, 18% của Trung Quốc, 13% của Malaysia và cao gần gấp 3 lần nếu so với Mỹ hay Singapore.
Báo cáo “Logistics hiệu quả: Chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Định hướng phát triển các quốc gia, khu vực” do WB công bố năm 2014 cho thấy, thời điểm năm 2012, khi xuất khẩu một container 40 feet từ Việt Nam đi Los Angeles (Hoa Kỳ), chi phí cho logistics nội địa chiếm khoảng 22,59% trên tổng chi phí logistics, trong đó chủ yếu là cước vận tải đường bộ (7,31%) và phụ phí xếp dỡ tại cảng (5,13%). Như vậy, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển quốc tế bởi các hãng tàu nước ngoài thì hơn 70% tổng chi phí logistics của Việt Nam sẽ rơi vào tay các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển ngoại.
Đáng chú ý, theo WB, chi phí không chính thức chiếm tỷ trọng rất lớn, lên đến 13,4% tổng chi phí logistics nội địa, trong đó, chi phí “trà nước” để làm thủ tục khai báo hải quan nhanh chóng khoảng 21 USD và chi bồi dưỡng chặng vận tải nội địa khoảng 55.5 USD cho một container 40 feet.
Căn cứ vào số liệu dự báo về lượng container xuất khẩu qua các cảng biển Việt Nam năm 2020, WB tính toán, tổng chi phí không chính thức mà các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam phải gánh sẽ lên tới 242,4 triệu USD. Chưa kể, chi phí lưu kho - tồn hàng tại các cảng biển, cảng hàng không của chủ hàng cũng rất cao. Năm 2015, chi phí phát sinh do phải chờ đợi làm thủ tục tại cảng biển, sân bay là 121 triệu USD, và theo dự báo, con số này sẽ tăng lên 182 triệu USD vào năm 2020.
Cùng với đó, theo người phát ngôn của WB - ông Michael Peskin, Việt Nam đang phải chịu chi phí vận chuyển quá cao, chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%.
Hiệp hội Vận tải ô tô (VATA) cũng thừa nhận, trong chi phí vận tải hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường khoảng 10% và chi phí không chính thức khoảng 3-5%. Mức chi phí cụ thể tùy vào từng công ty và cung đường vận tải.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) năm 2015, có đến 77,5% công ty logistics cho rằng thủ tục hải quan vẫn là thách thức lớn nhất để giảm chi phí, 46,2% cho rằng cơ sở hạ tầng vận tải thiếu kết nối đang là một cản trở và 36,2% cho rằng chi phí không chính thức quá cao là thách thức trong việc cung cấp dịch vụ logistics cho hàng hóa xuất khẩu.
Cũng trong năm 2015, một nghiên cứu khác của VLA về tỷ trọng chi phí logistics/giá xuất khẩu đã đưa ra những con số đáng quan tâm: 33,33% DN đánh giá chi phí logistics chiếm từ 5-15% giá trị lô hàng xuất khẩu; 16,67% DN cho rằng chi phí này chiếm từ 35-45%.
Ngoài ra, số liệu tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nêu ra thực trạng đáng quan ngại: mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Hiện có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, trong đó tỷ lệ hàng hóa phải làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm tới 58%.
Theo WB, nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh là do chi phí nhiên liệu (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành vận tải), lệ phí cầu đường (khoản chi được cho là không thể dự tính được), chi phí bốc xếp tại cảng, chi phí phát sinh do tắc nghẽn giao thông đường bộ, tắc nghẽn tại cảng biển, chi phí không chính thức... đều tăng cao; kèm theo đó là chi phí phát sinh do mất cân bằng giữa nhập khẩu và xuất khẩu cũng như thiếu sự kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều.
Đánh giá của VLA cũng chỉ ra rằng, các yếu tố góp phần làm tăng chi phí logistics bao gồm: phí cầu đường và chi phí không chính thức, thiếu ICD chứa container rỗng, sự phân mảnh của hạ tầng kho hàng và trung tâm logistics dẫn đến sự thiếu hụt và dư thừa ở một số nơi, hạ tầng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa và hệ thống các cảng biển còn thiếu đồng bộ...
Giải pháp nào để giảm chi phí?
Gần đây, Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc giảm chi phí logistics. Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, quốc gia này nỗ lực hạ chi phí ngành logistics để giảm bớt gánh nặng cho các DN cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Trong 3 năm tới, Trung Quốc dự kiến giảm tỷ lệ chi phí logistics trên giá trị hàng hóa thêm 0,5%, xuống mức 4,9%.
Để đạt được điều này, Trung Quốc sẽ thực hiện rất nhiều biện pháp, bao gồm cắt giảm phí đường cao tốc cũng như loại bỏ các khoản phí “lót tay” do các sân bay, bến cảng và đường sắt đề ra.
Mới đây, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí kinh doanh, hoạch định thuế thấp hơn, tài chính rẻ, sử dụng tài nguyên hợp lý hơn… Đây là những hành động có ảnh hưởng tích cực, giúp giảm chi phí logistics.
Trở lại Việt Nam, động thái tích cực là ngay từ đầu năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP và xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để đạt mục tiêu trên, báo cáo của WB cho rằng, nâng cao tính tin cậy của chuỗi cung ứng và tăng cường hiệu quả của hoạt động logistics sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm đi những thiệt hại cũng như giảm chi phí kinh doanh.
Theo giới chuyên gia, để giảm chi phí logistics, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm thông quan, điều chỉnh lại thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng tỷ lệ vận tải bằng đường sắt và đường thủy; đồng thời tăng cường kết nối theo hướng liên kết vùng để sử dụng và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tránh tình trạng đầu tư phân mảnh, không phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, kết nối khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy hoặc kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng đường thủy nội địa.
Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp đề nghị: ở tầm vĩ mô, cơ sở hạ tầng vận tải cần tiếp tục được cải thiện để xóa bỏ những nút cổ chai đối với vận tải đường bộ cũng như đầu tư nâng cấp và mở rộng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đường sắt để có thể tăng tính kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác trong chuỗi vận tải đa phương thức. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tập trung giảm những thành phần chi phí có thể tác động được, thuộc quyền ban hành chính sách như giá nhiên liệu, phí cầu đường, phí BOT…; minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan và vận tải đường bộ để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho hoạt động logistics.
Đối với các công ty logistics, các chuyên gia khuyến nghị: cần nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tăng cường hợp tác giữa các công ty logistics như chia sẻ hàng hóa, qua đó cân đối luồng hàng vận chuyển hai chiều nhằm nỗ lực tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng; tận dụng và khai thác vận tải thủy nội địa nhằm giảm ách tắc tại các khu vực trọng điểm; xây dựng liên minh chiến lược với các công ty logistics nước ngoài, từ đó tạo dựng mối quan hệ cùng có lợi để có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ logistics quốc tế…
Vừa qua, trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề xuất: Chính phủ nên thay đổi quan điểm về quản lý và phát triển logistics, thể hiện trên 2 nội dung chính:
Một là, Chính phủ cần quản lý tập trung về logistics, có thể thông qua Ủy ban quốc gia về logistics như một số quốc gia khác đã làm. Việc giao cho một bộ chuyên ngành như Bộ Giao thông vận tải trước đây hay Bộ Công Thương hiện nay đều gặp những hạn chế vì logistics là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác.
Hai là, cần quan niệm logistics là bài toán vĩ mô, không phải nhiệm vụ riêng của từng địa phương. Thực tế cho thấy, vì thiếu bàn tay điều hành trực tiếp ở cấp vĩ mô nên các hoạt động logistics trở nên cục bộ, không hiệu quả. Một ví dụ cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng nước sâu Cái Mép chỉ khai thác được 19% công suất vì thiếu chân hàng, trong khi cảng Cát Lái của TP. Hồ Chí Minh dù không phải cảng nước sâu và nằm sâu trong nội địa nhưng lại luôn quá tải.
Thêm vào đó, cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia, đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế, không qua trung chuyển. Trước mắt, khi chưa có cảng này thì thông qua sự điều tiết của Chính phủ, chúng ta sẽ chú trọng khai thác cụm cảng nước sâu đã xây dựng nhưng đang thừa công suất vì thiếu chân hàng.
Thực tế cho thấy, trước khi ra quyết định đầu tư, các tập đoàn kinh tế trên thế giới thường quan tâm chỉ số chi phí logistics của nước sở tại. Do vậy, quốc gia nào có chi phí logistics thấp sẽ trở thành lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư cũng như giúp DN giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song song với đó, xu thế mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng. Bởi thế, giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để các DN logistics Việt Nam nâng cao vị thế khi hội nhập.
Theo Đặc san Kiểm toán số 65 ra tháng 11/2017