Đẩy mạnh thực thi Hiệp định vận tải đa phương thức

Hiệp định khung ASEAN về Vận tải đa phương thức (AFAMT) được ký kết tháng từ 11/2005. Trải qua 14 năm, nhưng Hiệp định mới chỉ được 7 nước thành viên ASEAN phê chuẩn và việc thực hiện được tiến hành giữa các nước này. Hiện còn 3 nước chưa phê chuẩn là Brunei Darussalam, Malaysia và Singapore.

 

Yêu cầu về vận chuyển hàng hóa từ điểm đầu đến điểm cuối “end-to-end” thay cho cách vận chuyển “door-to-door” đã thúc đẩy vận tải đa phương thức (VTĐPT) phát triển, nhất là giữa các nước thành viên ASEAN. Vì vậy, các thành viên cần phải có một khung khổ pháp lý cho việc thúc đẩy thực hiện AFAMT. Từ ngày 26 - 29/8/2019, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ban Thư ký ASEAN và các chuyên gia 10 nước ASEAN đã thảo luận và nhất trí Kế hoạch Hành động khu vực thực hiện AFAMT từ 2020 – 2025. Bản dự thảo Kế hoạch này sẽ được Nhóm công tác ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải thông qua để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN, họp vào tháng 11/2019 tại Hà Nội phê duyệt. Để thực hiện đầy đủ Hiệp định này, các nước ASEAN phải hoàn thiện công tác pháp lý, theo kế hoạch như sau:

 

1. Hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định: theo kế hoạch, Brunei Darussalam sẽ hoàn thành năm 2020; Malaysia năm 2021; Singapore năm 2020.

 

2. Tạo khung khổ pháp lý quốc gia cho VTĐPT: Các nước phải xây dựng và luật hóa AFAMT nhằm thực hiện Hiệp định: Từ nay đến năm 2020 - 2022, Brunei Darussalam, Cambodia, Lào, Malaysia, Philippine và Singapore sẽ hoàn thành việc xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh VTĐPT của mỗi quốc gia. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ VTĐPT (Multimodal Transport Operator - MTO) ở các nước thành viên ASEAN khác kinh doanh trên các nước này.

 

3. Dịch và công bố luật về VTĐPT: Từ nay đến năm 2020, các nước Indonesia và Thái Lan là những nước đã luật hóa Hiệp định VTĐPT phải dịch ra tiếng Anh các văn bản luật bằng quốc ngữ nước mình và công bố công khai nhằm tạo thuận lợi cho các nước thành viên trong việc tiến hành VTĐPT ở các nước đó.

 

4. Thành lập Cơ quan quốc gia có thẩm quyền tại mỗi nước ASEAN: Đây là nhà chức trách chịu trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động của MTO. Ở Việt Nam hiện nay, Bộ GTVT cấp phép cho các MTO hoạt động. Ở Thái Lan là Cục hàng hải và hàng năm các MTO phải báo cáo đầy đủ với nhà chức trách cấp phép về số lượng hợp đồng ký kết và thực hiện cho việc vận chuyển container (FCL và LCL). Còn ở Singapore, hiện nay Hiệp hội Logistics Singapore tiến hành cấp phép hoạt động của các MTO. Muốn được cấp phép, doanh nghiệp phải là hội viên của Hiệp hội và hàng năm phải đóng phí hoạt động cho Hiệp hội. Việt Nam là nước thành viên đã hoàn thành 4 mục nêu trên đây. Bộ GTVT cho biết, trong tháng 10/2019, Bộ sẽ đăng công khai trên website của Bộ Danh sách các MTO được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

 

5. Tăng cường thể chế qua việc xây dựng Chương trình hỗ trợ khu vực để tiếp tục phát triển, giáo dục và nêu bật tầm quan trọng của VTĐPT. Trong thời gian tới ASEAN sẽ tổ chức các khóa đào tạo và tham quan thực tế ở các nước châu Âu phát triển VTĐPT, ngoài việc các nước thành viên tự tổ chức việc đào tạo. Ban Thư ký ASEAN cứ hai năm một lần sẽ tiến hành công bố các số liệu thống kê về VTĐPT trong khu vực.

 

6. Một trong những vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm trong việc phát triển VTĐPT là giải quyết chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của các MTO. Dự kiến các nước thành viên Hiệp hội AFFA sẽ đưa ra thảo luận và thông nhất Chế độ bảo hiểm chung cho các thành viên của Hiệp hội tại Hội nghị lần thứ 29 của Hiệp hội (AGM-29) ở TP. HCM vào cuối tháng 11/2019.

 

Chương V, Điều 14, của AFAMT quy định về giới hạn trách nhiệm của MTO nêu rõ: “Trừ khi tính chất và giá trị của hàng hóa đã được người gửi hàng khai báo trước khi hàng hóa được người kinh doanh vận tải đa phương thức đảm trách chuyên chở và đã được ghi trong chứng từ VTĐPT, người kinh doanh VTĐPT sẽ không chịu trách nhiệm trong bất kỳ trường hợp nào về tổn thất hoặc hư hỏng đối với hàng hóa với số tiền tương đương vượt quá 666,67 SDR cho mỗi kiện hoặc đơn vị tính cước, hoặc 200 SDR cho mỗi ki-lô-gram trọng lượng cả bì của hàng hóa mất mát hoặc hư hỏng, cách tính nào cao hơn thì chọn... Bất kể các quy định của Điều 14 và 15, theo như hợp đồng quy định nếu, người kinh doanh VTĐPT không tiến hành việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển hoặc đường thủy nội địa, thì trách nhiệm bồi thường của người kinh doanh VTĐPT sẽ được giới hạn bởi số tiền không vượt quá 8,33 SDR cho một ki-lô-gam trọng lượng cả bì của hàng hóa mất mát hoặc hư hỏng”. (Theo bản dịch đăng trên trang website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

 

Theo luật Việt Nam, các quy đinh về giới hạn trách nhiệm của MTO, tại Nghị định số 144/2018/NĐ-CP, ngày 16/10/2018 Sửa đổi, bổ sung các Nghị định về VTĐPT (Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về VTĐPT, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10/10/2011 của Chính phủ) đều phù hợp với các quy định trên đây của AFAMT.

 

Một khi các nước thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ các quy đinh trong AFAMT thì việc kinh doanh VTĐPT của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam trong các nước ASEAN sẽ được thuận lợi, nhất là khi không còn đòi hỏi phải thực hiện thông qua các đại lý của nước sở tại, giúp cho việc giảm chi phí VTĐPT.

 

Nguồn: vlr.vn

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2