Đẩy mạnh hợp tác logistics giữa Việt Nam và Trùng Khánh (Trung Quốc)

Trong khuôn khổ chuyến công tác nhằm đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại và logistics với Trung Quốc, chiều ngày 8/5/2018, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Chính quyền thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại và logistics giữa Việt Nam - Trung Quốc ( cụ thể là thành phố Trùng Khánh- Trung Quốc).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Lưu Quế Bình, đại diện các Bộ ngành, địa phương và hơn 200 doanh nghiệp hai nước tham dự Tọa đàm.
 Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đây là dịp để Bộ Công Thương và các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại nói chung và hợp tác trong lĩnh vực logistics đầy tiềm năng giữa Việt Nam - Trùng Khánh nói riêng. Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng khẳng định thị trường dịch vụ logistics Việt Nam có tiềm năng rất lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh và nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam với doanh nghiệp logistics Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp logistics tại Trùng Khánh.

Trùng Khánh là một trong 4 thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc (cùng với Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải). Với diện tích 82 nghìn km2 và dân số xấp xỉ 31 triệu người, Trùng Khánh được coi là trung tâm để thực hiện chính sách Đại khai phá miền Tây của nước này. GDP Trùng Khánh năm 2017 đạt 307 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm trước, thu nhập bình quân đầu người tương đương 9.400 USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trùng Khánh năm 2017 đạt 1,4 tỷ USD, bao gồm các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, cà-phê, thủy sản... Việt Nam nhập khẩu từ Trùng Khánh 558 triệu USD, chủ yếu là linh kiện ô-tô, xe máy, thiết bị khai khoáng, hóa chất...
 Từ góc độ logistics, Trùng Khánh có vị trí chiến lược kết nối các tỉnh phía Tây với phía Đông Trung Quốc, kết nối các khu vực Đông Nam Á, Trung Á và Châu Âu. Hiện nay, Trùng Khánh là điểm nối quan trọng của hai tuyến vận chuyển là tuyến đường sắt Trùng Khánh - Tân Cương - Châu Âu (Du Tân Âu) và tuyến vận chuyển hướng Nam. Thông qua hai tuyến này, doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào sâu các tỉnh phía Tây Trung Quốc, và qua Trung Quốc sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu như Kazakhstan, Nga, Belarus và xa hơn nữa, qua Ba Lan, Đức để đến các nước Châu Âu khác.
 Giới thiệu về tuyến vận tải hướng Nam nối thành phố Trùng Khánh với Việt Nam và các nước ASEAN, Phó Thị trưởng Trùng Khánh Lưu Quế Bình cho biết vận tải đa phương thức kết hợp đường sắt và đường biển; vận tải đường bộ qua biên giới và liên vận đường sắt quốc tế là ba hình thức tổ chức vận tải chính của tuyến đường hướng Nam, góp phần kết nối Trùng Khánh, các địa phương phía Tây Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa hai bên.
 Với việc tuyến vận tải container đường sắt hướng Nam nối Trùng Khánh với Việt Nam qua Bằng Tường (Quảng Tây) có chiều dài 1.400 km đi vào hoạt động, thời gian vận chuyển hàng hóa giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi tỏa ra các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai bên, cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc cũng như các nước châu Âu, Trung Á và ngược lại.
 Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo hai bên và các đại biểu tham dự đã chứng kiến lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa các đơn vị sau:
 - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Phòng Thương mại thành phố Trùng Khánh;
- Công ty Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) và Công ty Đường sắt quốc tế Trùng Khánh - Tân Cương - Châu Âu;
- Công ty Logistics Delta International và Công ty Vận tải đường bộ Trùng Khánh - ASEAN.

Sau Tọa đàm, đại diện hơn 200 doanh nghiệp hai nước cũng tiến hành gặp gỡ giao thương, đối thoại trực tiếp, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và logistics.

 

MFN
VLA
C5C
NAMSUNG
VINALINES
OOCL
HANJIN SHIPPING
PIL
CMA CGM
1
5
6
7
8
9
10
4
3
2